Tiếng Việt | English

21/04/2023 - 08:12

Khóa SIM nặc danh, cuộc gọi 'rác' vẫn gây bức xúc

Tình trạng điện thoại "rác", điện thoại lừa gạt đang bùng phát ngày càng nhiều. Vì sao nhà mạng đã khóa SIM nặc danh mà vẫn chưa hạn chế được các cuộc gọi "rác"?

Cuộc gọi "rác" vẫn hoành hành người dân

Anh N.M.T (ngụ Q.3, TP.HCM) bức xúc: "Ngày nào tôi cũng nhận nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn từ các số điện thoại lạ, nội dung "cần tuyển nhân viên làm việc online trên điện thoại, làm mọi lúc mọi nơi... mỗi ngày bạn được trả đến 1,8 triệu đồng". Tôi không có nhu cầu nên thường tắt máy ngang, nhưng có lúc tôi bực quá phải lớn tiếng với kẻ lạ mặt gọi đến. Tưởng rằng họ sẽ biết sợ mà không làm phiền nữa, nhưng kẻ đó lại thách thức, thậm chí văng tục lại với tôi".

SIM “rác” chưa thể dẹp sạch được vì các nhà mạng vẫn còn lợi ích (Q.T)

Anh T.V.T, công tác trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. "Mới hôm trước, một số điện thoại lạ gọi đến dụ dỗ tôi tham gia vào việc tăng view, tăng like cho một công ty để quảng bá các kênh mạng xã hội. Tôi thừa biết đây là hình thức lừa đảo nên cố tình câu giờ kéo dài thời gian nói chuyện, cuối cùng kẻ gọi đến nhận ra bị trêu đùa nên nổi nóng văng tục, thậm chí khi tôi cúp máy rồi thì tên này vẫn tiếp tục gọi lại nhiều lần để chửi bới. Trong khi các cơ quan chức năng ra sức loại trừ SIM "rác", tôi nhận thấy các hình thức lừa đảo ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn và thậm chí manh động hơn trước", anh T kể.

Trong khi các cơ quan chức năng ra sức loại trừ SIM "rác", tôi nhận thấy các hình thức lừa đảo ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn và thậm chí manh động hơn trước.

Anh T.V.T

Chị N.H (ngụ Q.4, TP.HCM) vẫn chưa nguôi bức xúc khi bị một số điện thoại gọi tự xưng là công an, giọng hết sức nghiêm trọng nói chị dính vào một vụ án. Biết lừa đảo, chị tắt máy ngang nhưng ngay sau đó, số này gọi lại 2 - 3 lần như muốn đe dọa. "Tưởng SIM chính chủ xong rồi vấn nạn cuộc gọi rác sẽ hết, ai ngờ vẫn thế", chị N.H than vãn.

Không chỉ có cuộc gọi lừa đảo, những điện thoại "rác" chào mời tham gia đầu tư chứng khoán, nhận thưởng voucher nghỉ dưỡng cũng liên tục làm phiền người dùng.

Anh P.M.Đ (ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) phản ảnh: "Tôi có đầu tư chứng khoán nhưng chỉ giao dịch trên các sàn điện tử và các công ty chứng khoán hợp pháp trong nước. Tuy nhiên, không hiểu tại sao thông tin cá nhân của tôi bị lộ và thường xuyên phải nhận những cuộc gọi chào mời tham gia đầu tư chứng khoán của công ty này, công ty khác. Tôi không có nhu cầu nên phải liên tục từ chối, dù vậy cũng không sao thoát được cảnh bị làm phiền".

Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi và có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Trong đó, nhiều người đã mắc bẫy thủ đoạn giả danh nhân viên các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp SIM 4G, 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Khóa SIM nặc danh chưa ăn thua

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết sau ngày 31/3 đã có 1,76 triệu SIM bị khóa một chiều vì chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân theo quy định. Sau đó, có thêm 520.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Đến ngày 15.4, có 1,15 triệu thuê bao bị khóa hai chiều và tiếp tục có thêm 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều thực hiện chuẩn hóa. Như vậy vẫn còn có trên 1,1 triệu thuê bao "bất động" và các nhà mạng nhận định đây là những SIM rác, và những SIM lâu ngày không sử dụng.

Tuy nhiên, một số cửa hàng cung cấp SIM cho biết: "Đa số những thuê bao bị khóa là những số đã đưa ra thị trường từ rất lâu, còn các lô SIM số đã được phân phối và kích hoạt sẵn thì vẫn chưa bị khóa, do đó bất cứ ai cũng có thể mua được SIM "không chính chủ" và từ đó vẫn còn các cuộc gọi nặc danh lừa đảo".

Bộ TT-TT cũng thừa nhận dù việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đang được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, nhưng nhiều khách hàng phản ánh vẫn nhận được cuộc gọi "rác", lừa đảo. Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành và các Sở TT-TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động.

Cụ thể, Bộ TT-TT chỉ đạo các Sở TT-TT ở các tỉnh thành làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Ví như trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên… 

Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, sẽ lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ, hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Hơn 3 năm trước, Bộ TT-TT cũng đã thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin thuê bao di động. Sau quá trình thanh tra, các Sở TT-TT đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 417,25 triệu đồng. Nhưng sau thời điểm đó vẫn không thể xử lý triệt để được SIM nặc danh và tình hình cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn xuất hiện khắp nơi.

Trả lời Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định: "Nguồn thu từ việc bán SIM "rác" của các nhà mạng vẫn rất lớn, vì vậy khó có thể xử lý được triệt để nếu vẫn còn liên quan đến quyền lợi. Cách xử lý hiệu quả nhất là cần có mức phạt mạnh tay, kiên quyết hơn đối với các nhà mạng, các đại lý cung cấp SIM tiếp tục vi phạm nhiều lần, nếu không nghiêm thì chỉ một thời gian sau đâu lại vào đấy"./.

Bộ TT-TT khẳng định lần thanh tra, kiểm tra trên diện rộng này sẽ xử lý mạnh tay với các đại lý đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, những đối tượng thuê sinh viên, lao động tự do… đứng tên đăng ký hàng loạt SIM rồi đem bán sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm. Những cá nhân đứng ra đăng ký hộ SIM cho các đối tượng này cũng bị xử lý mạnh tay để khắc phục tình trạng tràn lan SIM không chính chủ.

Quang Thuần/thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Sim trả góp xem cách định giá sim chính xác
Liên kết hữu ích