Tiếng Việt | English

05/12/2022 - 08:25

Khôi phục, phát triển mạnh mẽ thương mại, dịch vụ

Năm 2022, tỉnh Long An đã kiểm soát đại dịch Covid-19, nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng của tình hình xung đột, chiến sự trên thế giới, suy giảm của nhiều nền kinh tế và doanh nghiệp lớn,...

Trong hoàn cảnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với mục tiêu tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhờ sự năng động, tập trung cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bức tranh KT-XH của tỉnh nổi bật với nhiều gam màu tươi sáng, tất cả chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt 8,46%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) ước tăng 0,71%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) ước tăng 10,86%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) ước tăng 9,95%. Phải khẳng định rằng, đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Nếu như năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,25%; trong đó, khu vực III giảm 1,41% thì năm 2022, hoạt động thương mại khôi phục mạnh mẽ, có nhiều tín hiệu tích cực; về cuối năm, hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu được thuận lợi hơn, xuất khẩu tăng trên 6% so cùng kỳ năm 2021;... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước khoảng 104.000 tỉ đồng, đạt 107,8% kế hoạch, tăng 22,9% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,19%). Ước năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 5,69% so cùng kỳ.

Tỉnh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ, sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường kết nối, nhất là với các DN của TP.HCM. Đồng thời, tỉnh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và phát triển sản xuất các sản phẩm mới thông qua việc kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tỉnh cũng tăng cường khuyến khích tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa sản xuất trong nước theo phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Định hướng của tỉnh là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hàng hóa của tỉnh; tập trung thực hiện hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy phát triển hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh.

Hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Long An năm 2022 đang diễn ra tại Công viên TP.Tân An. Đây là hoạt động do UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương tổ chức với quy mô trên 500 gian hàng của trên 200 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sự kiện này là cơ hội rất tốt giúp các địa phương quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, qua đó xúc tiến thương mại cấp quốc gia đến người tiêu dùng trong nước.

Thông qua Hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Long An năm 2022 còn thúc đẩy kết nối giao thương giữa các địa phương, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Với nhiều nỗ lực trong năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Chúng ta tin tưởng rằng, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thị trường hàng hóa, nhất là hàng Việt hết sức dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Qua đó, hé mở diện mạo tươi sáng của khu vực thương mại, dịch vụ trong năm 2023./.

Tân An

Chia sẻ bài viết