Tiếng Việt | English

24/10/2016 - 09:46

Không được chủ quan với lũ

Mấy tuần qua, mưa lớn liên tiếp và lũ đổ dồn về làm một số diện tích lúa bị thiệt hại, hơn 10.000ha lúa Đông Xuân sớm vùng Đồng Tháp Mười có nguy cơ bị đe dọa. Trong phòng, chống lụt, bão (PCLB), yêu cầu hàng đầu là không được chủ quan, phải chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

 Nhiều năm qua lũ nhỏ, năm nay cũng vậy, nước lũ về chậm nên nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười có phần chủ quan, tranh thủ xuống giống sớm vụ Đông Xuân để lúa bán được giá. Nhưng không ngờ, nhiều cơn mưa lớn liên tiếp làm nước lũ dâng lên nhanh. Hiện, có một số diện tích, nước lũ đã tràn đê gây ngập lúa. Được biết, mực nước lũ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười hiện dao động tăng với cường suất từ 1-6 cm/ngày - đêm. So với cùng kỳ năm 2015, mực nước lũ đã cao hơn khá nhiều. Nhìn mực nước lũ còn cách mặt đê trên dưới 20cm, nhiều nông dân đứng ngồi không yên bởi phía trong là ruộng lúa của mình. Và hàng ngàn hécta lúa đang bị lũ đe dọa như thế.

Ứng phó với tình hình trên, các địa phương chủ động gia cố đê bao, bảo vệ lúa. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để chủ động gia cố cấp bách các tuyến đê bao một số huyện. Đó là sự chủ động từ các cấp, ngành chức năng để ứng phó với tình hình trước mắt, bảo vệ lúa Đông Xuân sớm của nhà nông.

Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa bị ngập và nước lũ đe dọa hiện nay là do nông dân nôn nóng xuống giống, không tuân thủ lịch thời vụ dù đã được ngành chức năng cảnh báo. Thấy mấy năm gần đây lũ nhỏ nên người dân có phần lơ là, chủ quan. Khi nước lũ lên nhanh, đe dọa đến sản xuất mới tự trách mình. Đây cũng là bài học trong công tác PCLB.

Vì vậy, yêu cầu không được chủ quan trong PCLB luôn được đặt lên hàng đầu. Trong sản xuất, nhà nông phải tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, bảo đảm xuống giống đúng lịch thời vụ. Ứng phó với tình hình nước lũ hiện nay, các hoạt động khác cũng phải sẵn sàng. Đó là công tác tìm kiếm, cứu nạn, tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ cần được quan tâm, bảo đảm an toàn các bến khách ngang sông,... Ngoài ra, các địa phương nắm cụ thể số hộ có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần được di dời khẩn cấp khi lũ lớn và mưa bão diễn biến phức tạp để có phương án ứng phó.

Không được chủ quan với lũ! Chủ động trong PCLB chính là chúng ta đang bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân./.

Từ Nguyên

Chia sẻ bài viết