Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi
Người dân không nên hoang mang
Long An là địa phương có số lượng đàn heo tương đối lớn và giáp ranh TP.HCM, đồng thời là cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo diễn ra nhộn nhịp. Chính vì vậy, nguy cơ bệnh DTHCP từ miền Bắc xâm nhiễm vào thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh DTHCP. Vì vậy, các địa phương thực hiện biện pháp phòng bệnh là chính.
Anh Nguyễn Hữu An, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, cho biết: “Tôi được biết, bệnh DTHCP chưa có vắc-xin đặc trị, heo nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết gần như tuyệt đối. Do đó, việc dịch bệnh này xuất hiện trong nước khiến những người nuôi heo như tôi rất lo lắng. Gia đình tôi đã tăng cường các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của các ngành chức năng nhằm bảo đảm dịch bệnh xâm nhiễm”. Đối với người tiêu dùng, thông tin DTHCP xuất hiện cũng khiến nhiều người e ngại. Bà Huỳnh Cẩm Huệ (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Bình thường tôi vẫn mua thịt ngoài chợ về chế biến cho bữa ăn gia đình. Mấy ngày nay, thấy trên tivi đưa tin DTHCP nên tôi rất đắn đo khi mua thịt heo về dùng. Để an toàn, tôi mua thịt tại các cửa hàng có xuất xứ, nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Để DTHCP không ảnh hưởng đến đàn heo trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì bệnh DTHCP chỉ lây lan trên đàn heo, thịt heo nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người dân nên mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm soát giết mổ,... Bệnh DTHCP có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, lây qua phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi-rút. Vì vậy, các hộ chăn nuôi không nên cho heo ăn thức ăn thừa, vì vi-rút gây bệnh DTHCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Các cơ sở, hộ chăn nuôi phải thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi phát hiện heo bệnh, heo nghi bị bệnh, người chăn nuôi không bán tháo heo bệnh, không giết mổ, không vứt xác heo chết ra môi trường; kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị chức năng gần nhất. Đối với người dân, không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ con heo bệnh, heo nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt heo bệnh”.
Chủ động ngăn chặn
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản - Phan Ngọc Châu, để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với nguy cơ xảy ra bệnh DTHCP, đồng thời xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch bệnh như xây dựng kế hoạch hành động ứng phó của địa phương; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống ứng phó dịch; chủ động dự trù nơi tiêu hủy; rà soát, thu gom heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc; định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao,... Chi cục chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền các hộ chăn nuôi phòng, chống, hướng dẫn an toàn sinh học chăn nuôi, biểu hiện heo bị dịch bệnh cho từng hộ chăn nuôi.
Khi phát hiện heo bệnh,người chăn nuôi phải kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị chức năng gần nhất
Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung các nguồn lực của địa phương trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh; sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh, gọn, triệt để theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ về thú y quốc tế./.
Bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ lây lan trên đàn heo, thịt heo nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, người dân nên mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm soát giết mổ,... để bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh
|
Huỳnh Phong