Tiếng Việt | English

11/03/2021 - 17:22

Kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Tân Thạnh

Ngày 11/3, Đoàn công tác của tỉnh Long An gồm Chi Cục Kiểm lâm và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Long An phối hợp Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa - Tân Thạnh có cuộc kiểm tra thực tế bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2021 tại Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp miền Nam – Trạm giống Tân Hòa đóng trên địa bàn huyện Tân Thạnh.

Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại huyện Tân Thạnh

Đây là 1 trong 2 đơn vị trên địa bàn huyện có diện tích rừng tràm lớn với tổng diện tích gần 400ha trong tổng số 1.586ha của toàn huyện. Trạm giống Tân Hòa chủ yếu là tràm cừ và một số tràm Úc, trong đó tràm từ 3 - 5 tuổi chiếm nhiều diện tích và một phần diện tích tràm hơn 10 năm tuổi, lâu năm nhất là khoảng 30 năm tuổi.

Toàn trạm có 7/7 cán bộ nhân viên chính thức được bố trí trực ở 3 chốt bảo đảm 24/24 giờ và lúc cao điểm có hơn 20 người. Các trang thiết bị phục vụ chữa cháy được kiểm tra thường xuyên; xuồng máy, vỏ lãi, vòi phun được trang bị bảo đảm yêu cầu công tác chữa cháy tại chỗ. Đồng thời, có phương án phối hợp với các đơn vị, địa phương và nhân dân sinh sống xung quanh thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy an toàn và ứng cứu khi cần thiết.

Trạm giống cũng quan tâm nạo vét kênh, mương thường xuyên cho việc trữ nước và lưu thông các phương tiện tuần tra, kiểm soát được dễ dàng. Hiện tại, dự báo cấp độ cháy rừng tại huyện là cấp độ III, trạm giống đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân xung quanh rừng và những người trực tiếp vào rừng lao động, sản xuất phải nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống cháy rừng.

Đoàn yêu cầu Trạm giống Tân Hòa cần duy trì trực nghiêm túc 24/24 giờ kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và tăng cường kiểm tra vào thời gian cao điểm buổi trưa, nắng nóng, nhiệt độ cao dễ xảy ra cháy rừng; cần quan tâm xây dựng, nâng cấp tháp canh rừng và các bờ ranh vành đai rừng để bảo vệ an toàn, nhất là khu vực người dân làm ruộng hay đốt rơm rạ. Quan tâm vận hành, kiểm tra các máy chữa cháy chuyên dùng thường xuyên, bảo đảm hoạt động tốt trong mọi tình huống và bổ sung thêm dây chữa cháy để bảo đảm công cụ, phương án phòng chống cháy rừng mùa khô để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra./.

Duy Thanh

Chia sẻ bài viết