Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng đưa ra mức chung về giảm giá cước là rất khó - Ảnh: T.Phùng
Tại cuộc họp của Bộ GTVT với các sở GTVT và hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vận tải ngày 22-2 về giá cước vận tải, nhiều ý kiến đề nghị đưa ra mốc biến động nhiên liệu từ 10-12% thì taxi sẽ phải tăng, giảm giá cước tương ứng để đỡ tốn kém cho DN và để đỡ áp lực xăng giảm, cước phải giảm ngay.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, sau các lần giảm giá xăng dầu một số DN vận tải đã giảm giá cước nhưng việc giảm giá cước chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu.
Hiện cả nước có hơn 4.000 tuyến vận tải hành khách cố định bằng ôtô nhưng đến nay chưa đầy 1.000 tuyến thực hiện giảm giá cước, tỉ lệ giảm 1/4 số tuyến.
Bên cạnh đó, mới có trên 300 hãng taxi giảm giá khi cả nước có cả ngàn hãng taxi. Số lượng DN giảm giá là quá thấp.
Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) - cho rằng việc giảm giá cước khi nhiên liệu giảm như mong muốn của người dân là cần thiết. Nhưng giá thành vận tải ôtô gồm nhiều yếu tố cấu thành, không phải chỉ có nhiên liệu.
Ngoài giá mua xe còn tiền lương, bảo hiểm xã hội. Có DN dùng xe vài ba tỉ đồng nhưng có DN dùng xe giá vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, có tuyến vận tải qua nhiều trạm thu phí BOT, có tuyến ít trạm nên đưa ra mức giảm giá chung là rất khó.
Ông Thanh cũng cho biết việc kê khai giá của các DN rất phức tạp, thủ tục nhiêu khê. Cơ quan quản lý giá ở địa phương cần phải cải tiến nhanh chóng cho DN tăng, giảm giá kịp.
Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM - cho biết trước Tết Nguyên đán 2016, các hãng taxi đã giảm giá từ 300 đồng tương ứng với giá xăng giảm nhưng có DN giảm đến 500 đồng/km vì nghĩ xăng sẽ giảm nữa nên giảm trước để sau đỡ mất công điều chỉnh vì mỗi lần điều chỉnh tốn kém cả tỉ đồng.
Ông Hỷ cho biết thật sự các hãng taxi không muốn tăng giá hay giảm giá mà muốn ổn định. Vì mỗi lần tăng giảm, điều chỉnh tốn kém cả tỉ đồng tiền kiểm định đồng hồ, in bảng giá mới...
“Mỗi lần lập trình tăng, giảm cước phí thì Nhà nước quy định phí kiểm định 105.000 đồng/xe, 6.000 xe tốn 700 triệu đồng, chưa kể các khoản khác. Cho nên tăng không ham, giảm cũng không ham” - Ông Hỷ cho biết - Thêm định mức xăng được khoán cho tài xế nên khi giá xăng tăng thì tài xế làm reo không chạy, hãng phải hỗ trợ. Nhưng xăng giảm thì lái xe được lợi chứ công ty không hưởng lợi".
Theo ông Hỷ, chiều 22-2 hàng loạt hãng taxi ở TP HCM sẽ đăng ký giảm giá tiếp.
Ông Hỷ kiến nghị riêng lĩnh vực taxi khi giá nhiên liệu biến động từ 10 -12% trở lên thì điều chỉnh giá cước. Bởi vì mức biến động trên tác động chênh lệch giá taxi khoảng 3%. Đưa ra sàn mốc này để người dân khỏi đặt câu hỏi tại sao chưa giảm giá cước khi xăng giảm.
Còn ông Đỗ Quốc Bình - chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - tính toán tháng 1-2015 giá xăng 15.770 đồng và lên xuống nhiều lần, đến tháng 1-2016 giá xăng 15.440 đồng, giảm mấy trăm đồng một lít. Đến nay xăng giảm còn 13.770 đồng/ lit, hiệp hội thông báo tới các DN đã tới thời điểm giảm giá cước. Các DN taxi Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Sở Tài chính sẽ giảm từ 300-500 đồng/km tùy từng DN.
“Bài toán của chúng tôi là: khi xăng 15.770 đồng/lit thì giá cước taxi 11.000 đồng/km. Nay xăng còn 13.770 đồng/ lit (giảm gần 2.000 đồng) thì tính trung bình mỗi xe đi 100km tốn 7 lit xăng, giảm được 14.000 đồng/100 km. Người lái xe giảm được 14.000 đồng/100km nhờ giá xăng giảm. Chúng tôi đề nghị các DN giảm giá cước tương ứng 300 đồng/km.
Bởi vì chạy 100km giảm được 14.000 đồng do xăng giảm nhưng giỏi lắm 50km có khách, còn lại là chạy rỗng. Nhưng với mức giảm 300 đồng/km thì chạy 50km khách sẽ giảm được 15.000 đồng, tài xế vẫn lỗ mất 1.000 nếu chạy 100km mà chỉ có khách 50km”.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các hãng taxi, xe khách tuyến cố định phải tính toán giảm giá cước tương ứng với giá xăng và công bố công khai trong tháng 2-2016.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình kê khai giá cước đơn giản, nhanh chóng hơn cho DN. Ông Trường cũng tiếp thu đưa vào thông tư liên tịch quy định mốc biến động nhiên liệu để điều chỉnh giá cước theo kiến nghị của DN vận tải./.
Tuấn Phùng/Theo tuoitre online