Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đã và đang là vấn nạn đe dọa nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 29-11 hằng năm là “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái”.
Những năm qua, mặc dù các lực lượng chức năng tích cực vào cuộc, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, vận chuyển và buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa bị đẩy lùi, thậm chí còn diễn ra phức tạp, nhức nhối với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hàng giả không những ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm cho các doanh nghiệp trong nước bị thua thiệt, giảm sút uy tín của thương hiệu, gây thất thu ngân sách Nhà nước,...
Để từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, nhất là dịp cuối năm, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, chính quyền các địa phương, nhất là ở các vùng giáp biên giới; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các ngành chức năng, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả.
Ngành chức năng cần có thêm các chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng gian, hàng giả.
Mỗi người tiêu dùng tự trang bị cho mình kiến thức để tiêu dùng thông minh, đúng cách, tránh trở thành nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái./.
Võ An