Tiếng Việt | English

04/10/2017 - 11:43

Sinh động những mô hình học tập và làm theo Gương Bác

Kỳ 3: Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các địa phương trong tỉnh thực hiện với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo.


Cán bộ, công chức thị xã Kiến Tường niềm nở tiếp đón người dân khi làm thủ tục hành chính

Sổ tay rèn luyện

Một trong những địa phương có nhiều mô hình hay trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là Đảng bộ huyện Cần Đước.

Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Việt Cường cho biết: Cần Đước đặc biệt chú trọng việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đưa việc học tập và làm theo gương Bác trở thành nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đó, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng.

Ngoài ra, các tổ chức Đảng cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ trong đội ngũ CB, ĐV, công chức, viên chức” nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, chống bệnh thành tích, quan liêu, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng,... Huyện quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ.

Gần đây nhất, huyện vừa ban hành Sổ tay rèn luyện, tập hợp một số mẩu chuyện về Bác gắn với 27 biểu hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đây là mô hình mới, sáng tạo của huyện. Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, huyện in ấn và cấp cho khoảng 2.700 CB, ĐV. Ngoài những nội dung trên, trong sổ tay này có dành những trang giấy cho mỗi CB, ĐV ghi chép đôi điều cần lưu ý về học tập và làm theo gương Bác. Trong những lần sinh hoạt chi bộ, những nội dung trong sổ tay rèn luyện được cấp ủy kiểm tra thường xuyên để nhắc nhở ĐV cần có ý thức, trách nhiệm trong công việc cũng như cuộc sống.

Nghe dân nói

Đây là mô hình về thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Thị ủy Kiến Tường bắt đầu từ phường 3, nay tiếp tục duy trì và lan tỏa sang các địa bàn khác. Thông qua việc làm này, ngày thứ 6 hàng tuần trở nên quen thuộc với người dân phường 3 khi họ được trình bày, đề xuất ý kiến của mình với lãnh đạo.

Theo Đảng ủy phường 3, mô hình này gắn phong trào “Dân vận khéo” tại địa phương. Chính tiếng nói người dân giúp chính quyền vững mạnh. Với tên gọi “Ngày thứ 6 nghe dân nói”, CB, lãnh đạo phường phát huy được vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia góp ý xây dựng cấp ủy Đảng, chính quyền; đóng góp, đề xuất việc triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ngoài phường 3, trên địa bàn thị xã Kiến Tường còn có phường 1 với mô hình “Nghe dân nói, nói dân nghe”; xã Tuyên Thạnh với “Nâng cao chất lượng họp dân”;... Chị Nguyễn Thị Đệ - người dân xã Tuyên Thạnh, chia sẻ: “Lãnh đạo địa phương là những người trẻ tuổi nên có tinh thần cầu thị. Học tập và làm việc theo gương Bác Hồ, lãnh đạo ở đây luôn ghi nhận, quan tâm đến ý kiến đóng góp của dân. Chúng tôi nhận thấy, cách làm việc, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính, thái độ của CB, công chức cấp xã thay đổi hơn so với trước đây. Tiếng nói của người dân được xem trọng”.

Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Kiến Tường - Nguyễn Công Thanh thông tin, những mô hình trên góp phần cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; lắng nghe và phát huy vai trò của nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền,... tạo nên hình ảnh đẹp của người CB, công chức trọng dân, gần dân, gắn bó với nhân dân,...

Đeo Huy hiệu Bác Hồ

Tháng 01-2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Thủ Thừa phát động mỗi CB, ĐV, công chức, viên chức trong toàn huyện đeo Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày làm việc. Từ khi phát động đến nay, có hơn 3.400 CB, ĐV trên địa bàn huyện đăng ký tham gia. Với những ĐV nghỉ hưu và công tác ở ấp thì đeo huy hiệu Bác Hồ trong các cuộc sinh hoạt chi bộ.


Mỗi cán bộ, công nhân viên chức huyện Thủ Thừa đều đeo Huy hiệu Bác Hồ trong những ngày làm việc

Dù mới triển khai nhưng việc đeo huy hiệu luôn được CB, ĐV từ huyện đến cơ sở hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Từ đó, góp phần làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của từng CB, ĐV về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bí thư Chi đoàn khối Đảng-Văn phòng Huyện ủy Thủ Thừa - Cao Lê Cẩm Bình cho biết: “Là đoàn viên nên mình phải làm gương. Ngày nào đi làm, tôi và các CB, công chức, viên chức đều đeo Huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huy hiệu Bác như nhắc nhở bản thân tôi phải có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc”.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - Cao Minh Trí, việc đeo Huy hiệu Bác Hồ giờ đây trở thành việc làm thường xuyên, mọi người đều tự giác thực hiện. Đeo huy hiệu để nhắc nhở CB, ĐV, công nhân viên chức chú ý đến tác phong, lề lối làm việc, nhất là trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân. Không những vậy, việc làm ý nghĩa này còn khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Thanh Nga
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết