Tiếng Việt | English

28/05/2024 - 11:32

Kỹ năng tránh ngạt khí khi cháy nổ

Việc trang bị những kỹ năng sinh tồn khi có cháy nổ như tránh ngạt khói sẽ giúp nhanh chóng thoát hiểm, kéo dài thời gian để chờ đợi nhân viên cứu hộ.

Vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại Trung Kính (Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến 6 người bị thương. Những người được cứu sống phải cấp cứu. (Ảnh: DƯƠNG LIỄU)

Nhiều người thoát chết nhờ có kỹ năng xử lý…

Bình tĩnh để cứu mình

Vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại Trung Kính (Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 14 người, khiến sáu người bị thương.

Trong số sáu người được cứu khỏi vụ cháy thì bốn người là người thân của gia đình chủ trọ, được người dân xung quanh đưa khỏi đám cháy kịp thời. Còn lại hai người là cặp vợ chồng trẻ đã sống sót nhờ kỹ năng của mình.

Chia sẻ lại kỹ năng cứu mạng mình, anh N.T.K. (35 tuổi) - một trong số sáu nạn nhân được cứu sống - chia sẻ quan trọng nhất phải thật bình tĩnh.

Anh K. kể lại rạng sáng hôm đó, khi cả hai vợ chồng đang ngủ thì bị 2-3 tiếng nổ lớn làm tỉnh giấc. Sau đó, khói và lửa tràn khắp nơi, nguồn nhiệt rất lớn, cháy vào sát cửa sổ.

Từng học được kỹ năng thoát nạn sau nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra trước đó, anh K. nghĩ rằng nếu chạy ra ngoài sẽ chết.

"Tôi tự trấn an mình và vợ không được hoảng loạn, quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh. Sau đó, hai vợ chồng tìm kiếm nhiều lớp vải rồi thấm nước, cuốn thành nhiều lớp để che lên khe cửa và che lên mũi miệng. Rồi ngồi cố thủ trong nhà", anh K. kể lại.

Sau khoảng một tiếng, lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường. Họ được đưa ra ngoài, được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Hiện cả hai đang được chuyển đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.

Trước đó, vụ hỏa hoạn chung cư mini tại Hà Nội cũng có gia đình bốn người thoát nạn nhờ bình tĩnh, chờ được lực lượng cứu hộ đến.

Thời điểm ấy, gia đình bốn người cũng tìm cách thoát nạn, nhưng khi chạy xuống tầng 1 lửa bốc cao, khói mù mịt nên không thể thoát nạn.

Gia đình này đã quay trở về tầng 8, đóng kín cửa. Khi căn nhà ngày càng bị khói bủa vây, gia đình tiếp tục trốn vào tủ quần áo. May mắn, ngay sau đó lực lượng cứu hộ đã tiếp cận giải cứu và đưa đến bệnh viện.

Trong những vụ hỏa hoạn mới đây, nhiều người cũng thấy được vai trò của tấm khăn ướt - vật dụng đã góp phần cứu sống vợ chồng anh K..

Các chuyên gia khẳng định khói cùng khí độc thoát ra từ đám cháy chính là sát thủ giết người nhiều nhất, nhiều hơn cả chết do bị lửa thiêu hoặc bị bỏng.

Khói khiến bạn bị cản trở tầm nhìn, còn khí độc chứa rất nhiều CO, NH3, HCN… mà hít phải dù ít cũng có thể làm hệ thần kinh của bạn tổn thương nặng và tử vong.

Các nguyên tắc vàng khi có cháy nổ

Theo Hiệp hội Chống hỏa hoạn quốc gia Mỹ (NFPA), khi xảy ra cháy nổ có thể dùng một chiếc khăn hoặc miếng vải tẩm ướt để che mũi và miệng.

Bên cạnh đó, cần nhớ không thở bằng miệng mà cố gắng thở bằng mũi để tránh làm bỏng đường hô hấp. Làm như vậy bạn có thể ngăn được phần nào khói và khí độc xâm nhập vào cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ bỏng đường hô hấp.

Ngoài ra, sử dụng khăn vải tẩm ướt để che mũi miệng còn có thể giúp bạn hạn chế phần nào sự tiếp xúc với các hạt bồ hóng, muội, các thành phần hữu cơ chưa cháy hết.

Sức nóng tập trung mạnh nhất ở trần nhà, vì thế nên cúi thấp người, thậm chí bò men theo tường để tìm đến cầu thang hoặc lối thoát hiểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết khí và khói trong các vụ cháy nổ có thành phần khí khác nhau tùy vật liệu cháy, trong đó nhiều nhất là carbon monoxit (CO).

Đây là một loại khí độc thường không có mùi và không có màu nên bệnh nhân thường khó nhận biết là mình đã hít phải và đang bị nhiễm độc.

Khi khí CO đi vào cơ thể, nó có thể kết hợp với chất emotobin tạo ra carbonemotobin, chất này sẽ kết dính với oxy dẫn tới tình trạng người bị ngạt và thiếu oxy. Chính vì thế, trong trường hợp hít phải CO với nồng độ cao rất dễ bị hôn mê, cuối cùng thường dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo khi có cháy không hoảng loạn mà cần gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114. Sau đó, ra ngoài ban công hoặc sân thượng tìm người giúp đỡ.

Khi cháy xảy ra, khói nhẹ hơn không khí sẽ bay lên trên nên hãy hạ người để di chuyển để dễ thở và tránh ngạt khói. Lấy một mảnh vải hoặc áo quần làm ẩm và để gần mũi, miệng.

Nước sẽ lọc khí độc, ngăn hít khí độc. Đặc biệt lưu ý không cố thủ trong nhà vệ sinh, các phòng kín nguy cơ ngạt khí cao dễ dẫn đến tử vong.

Lưu ý không lãng phí thời gian để thu nhặt đồ đạc, kể cả những đồ vật có giá trị, vì khi đám cháy xảy ra, lửa sẽ lan rất nhanh.

Trên đường thoát hiểm, cần báo động để những người xung quanh cùng thoát hiểm. Ngoài ra, khi mở cửa nếu chạm vào cánh cửa hay tay nắm cửa thấy nóng, không mở trong tình huống hỏa hoạn.

Nếu đang ở trong phòng không ra được thì có thể dùng vải hay quần áo nhúng nước để chặn những khe hở./.

Sơ cứu người ngạt khí ra sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho hay sơ cứu người ngạt khí tương tự như người ngưng tim ngưng thở. Cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát. Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế ngay.

Nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và nới lỏng quần áo trong khi chờ cấp cứu đến. Trường hợp nếu bệnh nhân hôn mê hay rối loạn ý thức nhưng vẫn còn mạch và còn thở, chúng ta đưa bệnh nhân về tư thế nằm nghiêng ở tư thế an toàn tránh sặc đờm dãi, dị vật… vào đường thở gây suy hô hấp.

Phủ khăn ướt che mặt mũi

Theo bác sĩ Vũ Việt Hà - khoa cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong tình huống xảy ra cháy, người dân nếu không có mặt nạ chống độc thì ít nhất nên phủ khăn ướt che kín mặt, mũi để tránh khói. Ít nhất điều này sẽ giúp duy trì chờ đợi đến khi lực lượng cứu hộ giải cứu.

Tuy nhiên, trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO. Vì thế, ngay khi được cứu thoát, các nạn nhân được cho thở oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã hay va chạm, sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn.

Chú ý tổn thương do hít phải khói từ đám cháy

Người dân dùng bình cứu hỏa dập lửa tại vụ cháy ngôi nhà ở ngõ 43 Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết. (Ảnh: HOÀI AN)

Theo bác sĩ Lê Hoàng Quân, khoa gây mê hồi sức ngoại Bệnh viện Nhân dân 115, tổn thương do hít phải khói từ đám cháy là tổn thương gây ra do hít phải những chất khí độc hại, hơi và các hạt bụi chứa trong khói.

Khi cháy các đám cháy tạo ra khói có chứa nhiều loại hóa chất, các vật liệu không được đốt cháy hoàn toàn và các hạt rất nhỏ lơ lửng trong không khí có kích thước rất khác nhau.

Tổn thương do hít khói có thể gây ảnh hưởng tại phổi như co thắt phế quản, co mạch, tràn dịch phế nang, hình thành chất nhầy ở phế quản… Viêm phổi là một trong những biến chứng thường gặp nhất của tổn thương do hít khói với tỉ lệ khoảng 30%, đặc biệt ở bệnh nhân trên 60 tuổi.

Bác sĩ Lưu Kính Khương cho rằng tổn thương do hít khói là tổn thương nặng và có tỉ lệ biến chứng và tử vong cao, nhưng hiện vẫn khó chẩn đoán và phân loại chính xác. Quan trọng là cần chẩn đoán và điều trị sớm. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, phòng ngừa tổn thương phổi và đường thở.

Khi gặp các vấn đề về sức khỏe do hít phải khói cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, có thể giảm các triệu chứng ngạt khói thông qua các biện pháp như nghỉ ngơi nhiều, ngủ ở tư thế ngả người hoặc kê cao đầu bằng gối giúp thở dễ dàng hơn, tránh hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc, tránh các tác nhân gây kích ứng phổi chẳng hạn như không khí quá lạnh, nóng, ẩm hoặc khô…

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-nang-tranh-ngat-khi-khi-chay-no-20240528075604038.htm

Chia sẻ bài viết