Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ gồm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) áp dụng đối với hệ Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí áp dụng đối với hệ Giáo dục thường xuyên.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2017, nhiều trường THPT đã và đang yêu cầu giáo viên và học sinh thay đổi cách thức giảng dạy, học tập để có thể đáp ứng với phương thức thi mới.
Thí sinh nghe phổ biến về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Giáo viên phải tăng thời lượng ôn luyện môn giáo dục công dân
Năm 2017 là năm đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi nên lãnh đạo một số trường THPT cũng có ý kiến về giảng dạy, học tập cũng như ôn luyện môn học này.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Môn Giáo dục công dân hiện chỉ có 1 tiết học/tuần nhưng lại bao gồm những kiến thức có thể áp dụng trong thực tế, không phải là môn có nhiều chi tiết khó nhớ, phải học thuộc lòng, nên nếu học sinh có thể hiểu bài ngay trong giờ học thì sẽ làm được bài thi trắc nghiệm môn học này tốt.
Để học sinh có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, giáo viên sẽ phải soạn bài giảng kỹ lưỡng hơn và tăng thời lượng ôn luyện cho học sinh ngay trong giờ học.
Trường THPT Tây Hồ xác định giảng dạy học sinh thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Học sinh bắt đầu có định hướng học theo phương án thi mới như chọn tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hay bài thi khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Có thể học sinh làm nhiều bài hơn với hình thức thi trắc nghiệm nhưng nếu các em chịu khó nghe giảng, học hỏi thì có thể làm được bài.
Hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đang có lớp tập huấn cho giáo viên dạy Lịch sử và Địa lý nên nhà trường sẽ hướng dẫn cho học sinh học tập, ôn luyện cho học sinh sau.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bộ GD-ĐT đã kịp thời công bố đề thi minh họa các môn cho kỳ thi THPT Quốc gia nên cũng góp phần giúp cho giáo viên hình dung được cách thức giảng dạy, ôn luyện cho học sinh theo hình thức thi mới.
Điều chỉnh giảng dạy, học tập và kiểm tra, đánh giá
Nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, trường THPT Wellspring Hà Nội đã chỉ đạo giáo viên xem xét các đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố để có cách thức giảng dạy, kiểm tra, ôn luyện cho học sinh phù hợp với phương án thi mới.
NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Hà Nội cho biết, ngay từ khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi mới, nhà trường đã yêu cầu giáo viên cho học sinh làm quen với những bài kiểm tra môn học theo dạng đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, cả giáo viên và học sinh phải có sự điều chỉnh trong hoạt động giảng dạy, học tập cũng như kiểm tra, đánh giá.
Được biết, cuối học kỳ I/2016, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 12 theo phương án thi mới. Đây là việc làm rất thiết thực để học sinh lớp 12 làm quen với các kiểu đề bài của kỳ thi THPT Quốc gia năm2017, tự đánh giá bản thân và phát hiện những yếu kém về kiến thức cũng như kỹ năng. Giáo viên cũng sẽ rút kinh nghiệm để giảng dạy, ôn luyện hiệu quả hơn.
Hiện nay, trường THPT Wellspring Hà Nội đã cho học sinh đăng ký lựa chọn thi THPT Quốc gia năm 2017 để lấy điểm xét tốt nghiệp hay xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đồng thời học sinh cũng chọn đăng ký bài thi tổ hợp để nhà trường chủ động bố trí giáo viên giảng dạy, ôn tập cho thích hợp.
Đến thời điểm này, nhà trường chưa tăng tiết học và dự định tăng thời gian ôn tập các môn khi gần đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017./.
Bích Lan/VOV.VN