Thí sinh thi xong muốn biết đáp án để ước lượng điểm của bài thi. (Ảnh minh họa)
Đa số học sinh và giáo viên đều tỏ ra băn khoăn và lo lắng khi nghe thông tin, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề thi và đáp án đề thi các môn trắc nghiệm. Bởi như các năm trước, sau khi thi xong, Bộ sẽ đưa ra đáp án để học sinh và giáo viên đối chiếu so sánh và tự chấm điểm, còn như năm nay các em thi xong sẽ không có căn cứ nào biết làm đúng hay sai. Nếu sai thì sai ở chỗ nào để rút kinh nghiệm lần sau làm bài tốt hơn.
Em Hà Thị Hạnh và Nguyễn Quỳnh Anh học sinh lớp 12 cho biết: “Sau khi thi xong, em muốn biết kết quả thi của em như thế nào nên cần đề và đáp án để so sánh nhưng Bộ Giáo dục không đưa ra sẽ gây khó khăn và lo lắng không biết kết quả có đúng hay sai, vì không có đáp án để so sánh. Em mong muốn sau khi thi xong Bộ Giáo dục sẽ công bố kết quả đáp án”.
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra không công bố đề thi và đáp án môn thi trắc nghiệm là nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo. Nhiều ý kiến của chuyên gia giáo dục cho rằng lý do này chưa thuyết phục. Bởi khi đưa ra đề thi, Bộ phải có phương án đảm bảo đủ lớn ngân hàng câu hỏi cho hơn 1 triệu học sinh thi năm nay và năm sau không sáo trộn và trùng lặp, vì trên thực tế thì hầu như câu hỏi thi của năm sau sẽ phải khác năm trước.
Đa số học sinh và giáo viên đều tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi nghe thông tin này
Ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm nếu ý kiến: “Theo ý kiến của tôi, Bộ nên công bố đề thi và đáp án. Bởi vì chắc chắn đề thi năm nay và năm sau không thể trùng nhau hoàn toàn. Trong ngân hàng đề thi khối lượng đề có thể dùng nhiều năm và tất nhiên những câu đã dùng cho năm nay sẽ hạn chế dùng cho sang năm vì hai năm liên tiếp dùng câu trùng nhau là cũng không nên. Tôi không tán thành cách nói là vì đề này có thể dùng sang năm. Bộ nên công bố đề thi để dư luận xã hội thầy cô và học trò đánh giá mức độ đề thi như vậy có phù hợp với chương trình giảng dạy không. Thứ hai là có phù hợp với năng lực học sinh không. Thứ ba là có phân hóa được học sinh hay không”.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân việc Bộ không công bố đáp án môn thi không chỉ tạo cho dư luận lo lắng nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của kỳ thi mà còn băn khoăn, nếu khi lập trình cho máy đáp án sai, máy sẽ chấm sai. Trong khí đó, đề thi và đáp án không có ai kiểm nghiệm, đánh giá. Kết quả học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Bên cạnh đó, lượng bài phúc khảo của học sinh có thể tăng cao, vì không có gì đối chiếu. Các em vì quyền lợi của mình làm sai hay đúng nếu thấy điểm không tốt sẽ vẫn cứ phúc khảo cho chắc.
PGS Văn Như Cương phân tích: “Tôi rất khó hiểu việc Bộ không công khai đáp án các môn thi trắc nghiệm. Đáp án phải nên công khai, không công khai là chứng tỏ không minh bạch. Nếu đáp án sai thì sao. Đề thi tự luận có nhiều năm sai phải chỉnh sửa đáp án ngay trong khi Bộ đưa ra đáp án ngày chấm. Ví dụ tất cả học sinh làm đều đúng nhưng đáp án sai ai biết mà chỉnh sửa rồi phúc tra như thế nào. Nếu có đáp án, tôi tự chấm lấy và tôi biết ngay là chấm đó đúng hay sai. Bởi vì, tôi làm bài tôi biết. Tuy nhiên không có đáp án, không biết gì cả tôi cứ tưởng câu đó của tôi là đúng điểm số của tôi phải là 8 mà bây giờ lại chỉ được có 6, có 7, tôi sẽ phải phúc tra. Chuyện đó rất phức tạp”.
Điều băn khoăn và lo lắng của học sinh, giáo viên và các chuyên gia giáo dục về việc này không phải là không có cơ sở. Bởi những năm trước đây, với đề thi tự luận, có năm Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra đáp án bài thi đã xảy ra sai sót. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc. Bởi bất kỳ một kỳ thi nào cũng đều phải đảm bảo yếu tố minh bạch, khách quan, tính chuẩn xác của đề thi và đáp án./.
Thu Hiền/VOV - Trung tâm tin