Từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng (NH) thương mại liên tục giảm. Chỉ tính từ đầu tháng 9, đã có khoảng 10 NH giảm lãi suất huy động: MB, OCB, Sacombank, SHB, GP, Techcombank, Eximbank, ACB, Nam A Bank, Kienlongbank. Trong đó, nhiều NH đã đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm đã giảm đến 3-4%. Mặt bằng lãi suất hiện ngang với giai đoạn nửa đầu năm 2022. Khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, nhiều NH đưa ra các gói ưu đãi về lãi suất. Việc giảm lãi suất cho vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận vốn lãi suất thấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với thời điểm gần cuối năm 2022, số DN, người dân tiếp cận vốn vay còn khá ít. Nguyên nhân chủ yếu là DN bị sụt giảm đơn hàng, sức mua của thị trường giảm nên tiểu thương cũng không có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro cao, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, không mở rộng sản xuất, nhu cầu vay vốn cũng không cao. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn trầm lắng, các gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực BĐS như gói 120.000 tỉ đồng, gói 15.000 tỉ đồng đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác cũng chưa thu hút DN đầu tư. Ngoài vay sản xuất nông nghiệp, các kênh vay đầu tư khác khá trầm lắng.
Khi lãi suất huy động giảm mạnh, nhiều cá nhân, đơn vị cũng tìm kiếm kênh đầu tư khác thay vì gửi NH; một số chuyển sang đầu tư BĐS với hy vọng thị trường này sẽ sôi động lại trong thời gian tới. Đây cũng là kênh đầu tư hợp lý khi thị trường BĐS đang chững lại, giá BĐS đang ở mức phù hợp. Những nhà đầu tư có dòng tiền ổn định hướng đến đầu tư BĐS khi các gói hỗ trợ tín dụng lĩnh vực này được triển khai.
Một trong những kênh đầu tư được hướng đến nữa là vàng và ngoại tệ. Vàng là kênh đầu tư truyền thống được nhiều người dân lựa chọn vì tính an toàn, ít rủi ro nhưng việc sinh lời từ kênh này khá thấp. Cũng như vàng, kênh đầu tư ngoại tệ sinh lời không cao.
Chứng khoán cũng là kênh đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, việc đầu tư đòi hỏi kỹ năng và khả năng phân tích thị trường, xác định được những nhóm ngành nghề hoặc nhóm cổ phiếu đi ngược xu hướng hoặc mang tính chất “phòng thủ”. Những kỹ năng và khả năng phân tích thị trường chứng khoán không phải ai cũng có được.
Ngoài những kênh đầu tư trên thì nhiều người vẫn chọn giải pháp gửi NH vì bất cứ thời điểm nào, việc gửi tiết kiệm cũng mang lại lợi nhuận an toàn trong bối cảnh những rủi ro trong kinh doanh khá cao. Nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng, các NH đưa ra nhiều gói dịch vụ với mức lãi suất khác nhau. Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể lựa chọn gói dịch vụ phù hợp. Ngoài ra, NH còn có dịch vụ rút một phần tiền gửi trước hạn. Như vậy, khách hàng chỉ mất lãi đối với khoản tiền đã rút, còn số tiền còn lại vẫn được hưởng lãi suất như cũ. Đây là một tiện ích đặc biệt ưu đãi dành cho khách hàng.
Nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn của DN, mới đây, NH Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu DN, BĐS); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của DN; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Theo phân tích, việc giảm lãi suất cần đi liền với năng lực hấp thụ vốn, giúp nâng cao năng lực sử dụng vốn của DN, mở ra các thị trường cho DN, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển./.
Tâm An