Thời gian qua, trong khi nhiều nhà vườn ở ĐBSCL phải đốn bỏ cây ca cao để trồng loại cây khác vì không tìm được đầu ra thì ông Lâm Thế Cương, mà mọi người quen gọi là ông Mười Cương Ca Cao ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vẫn gắn bó với cây trồng này.
Bên cạnh việc nghiên cứu chế biến ra các sản phẩm từ trái ca cao, ông Mười Cương còn sử dụng vườn ca cao để làm du lịch sinh thái. Mô hình của ông đã khẳng định một điều, khi người nông dân chịu khó học hỏi và không ngừng tìm tòi, sáng tạo thì sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Khu vườn của ông Mười Cương rộng hơn 1,2 ha xanh ngát màu lá ca cao. Hơn 2.000 cây ca cao, trong đó có những cây được trồng 2-3 năm vừa cho trái chiếng, có cây đã trồng từ rất lâu nay đã 30 đến 40 năm tuổi.
Ông Mười Cương thu hoạch ca cao cuối vụ.
Ông Mười Cương kể, không riêng gì huyện Phong Điền, mà cả vùng ĐBSCL này, người dân đã nhiều lần trồng rồi đốn bỏ cây ca cao do không bán được trái. Riêng ông thì suy nghĩ: Nếu làm vườn mà cứ trồng cây đến khi không tiêu thụ được sản phẩm lại chặt bỏ thì chẳng biết đến bao giờ mới khá lên được. Đắn đo, suy tính cuối cùng ông Mười Cương giữ lại vườn ca cao và quyết tâm mở ra một hướng đi mới.
Để có được những sản phẩm phong phú, đa dạng như vừa kể, ông Mười Cương đã trải qua những tháng, ngày miệt mài nghiên cứu, học hỏi từ tài liệu, sách vở, bạn bè, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để từ đó ông tự chế biến sản phẩm ca cao thủ công tại nhà. Công việc chế biến trải qua khá nhiều công đoạn.
Ông Mười Cương bên máy xay hột ca cao.
Cụ thể, từ trái tươi, ông Mười Cương tách hạt, lấy hạt ủ lên men 7 ngày, sau đó đem ra phơi cho hạt thật khô rồi đem rang đến khi hạt chính thơm. Sau khi rang, ông tiếp tục tách vỏ lụa, rồi lấy phần nhân hạt xay nhuyễn thành bột ca cao nhão. Từ ca cao nhão ông đổ vào khuôn để qua đêm cho khô lại thành ca cao khối.
Từ ca cao khối, ông cho vào một dụng cụ có lực ép mạnh sẽ ra 2 loại: Bơ ca cao trắng có chứa nhiều vitamin và collagen dùng để làm sô cô la, mỹ phẩm, kem dưỡng da, son môi và bột ca cao khô dùng pha nước uống.
Đặc biệt, gần đây với sự tư vấn, hướng dẫn của một số nhà khoa học, ông đã ra đời sản phẩm mới là rượu vang ca cao. Để làm được sản phẩm này, ông đã ép hạt ca cao tươi để lấy nước mật rồi cho lên men trực tiếp thành rượu vang. Theo đó, 1 tấn trái ca cao sẽ làm ra 20 lít rượu vang thơm ngon.
Một số sản phẩm được ông Mười Cương chế biến từ hột ca cao.
Những sản phẩm làm ra từ ca cao, lúc đầu, ông Mười Cương chỉ làm để đãi, tặng bạn bè, xóm giềng. Về sau, người dân trong vùng biết tiếng tìm đến thưởng thức, mua về làm quà, nhiều công ty du lịch ở Thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh cũng gọi điện đặt hàng với số lượng ngày càng tăng.
Không chỉ chế biến các sản phẩm ca cao cung cấp cho thị trường, những năm gần đây ông Mười Cương còn tổ chức thu mua số lượng lớn trái ca cao của người dân trong vùng để chế biến ra hạt ca cao khô bán cho một số công ty trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa- Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, ông Mười Cương là người mua ca cao của các nông hộ trên địa bàn huyện để về làm nông sản, góp phần cùng với địa phương tạo đầu ra của sản phẩm cho nông dân trồng ca cao trên địa bàn huyện Phong Điền.
Không chỉ nổi tiếng vì chế ra nhiều sản phẩm từ ca cao thơm ngon. Thời gian qua, khi loại hình du lịch homestay bắt đầu được chú trọng phát triển ở huyện Phong Điền, ông Mười Cương đã bắt tay vào sửa sang khu vườn, chỉnh trang phòng nghỉ để phục vụ khách tham quan.
Du khách đến khu vườn của ông không những được hòa mình vào không khí nhà vườn, thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất Nam bộ, mà còn được làm nông dân trồng, chăm sóc, hái trái ca cao và tham gia vào các công đoạn để sản xuất ra các sản phẩm từ ca cao.
Ông David Baroness- du khách Pháp chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi tham quan một nơi trồng cây ca cao và sản xuất socola tại chỗ, tôi thấy rất thú vị và thú vị hơn nữa là khi tôi nếm ly socola tôi thấy hương vị rất đặc biệt, đặc biệt hơn là tôi được xem cả một qui trình sản xuất từ lúc trồng cây hái trái, ủ lên men , phơi , cho đến lúc thành socola, thật tuyệt vời!”.
Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông Mười Cương đón gần 300 du khách, trong đó có khoảng 100 du khách nước ngoài. Không những thế, khu vườn ca cao của ông từ lâu đã trở thành nơi thực tập của rất nhiều đoàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn thành phố. Nhiều trường còn mời ông đến đứng lớp, giảng dạy cho học sinh, sinh viên về cách trồng, chăm sóc cây ca cao và chế biến ca cao.
Ông Mười Cương đang hướng dẫn qui trình chế biến các sản phẩm từ ca cao với du khách.
Điều ít ai ngờ tới là ngoài việc tìm tòi nghiên cứu chế biến ra nhiều sản phẩm từ ca cao, ông Mười Cương còn chịu khó học hỏi, trao dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu thời hội nhập. Hiện ông sử dụng khá thành thạo máy vi tính để trao đổi, giao dịch, tìm đối tác. Đặc biệt với vốn tiếng Anh, Pháp được học từ thời trẻ và sau này liên tục được tích lũy thêm hàng ngày đã tạo điều kiện cho ông dễ dàng tiếp xúc, trò chuyện với du khách nước ngoài.
Chính điều này khiến du khách nước ngoài khi tham quan khu vườn ông cảm thấy rất thích thú bởi lẽ không chỉ đơn thuần là chuyện vui chơi, giải trí mà còn học, còn hiểu thêm nhiều điều về phong tục, tập quán, sinh hoạt cũng như các món ăn truyền thống của người dân Nam bộ, đặc biệt hiểu khá cặn kẽ các công đoạn chế biến ca cao qua trao đổi với ông.
Ông Mười Cương đã được tặng Huy chương Bạc tại Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam về sản phẩm ca cao bột. Hai năm vừa qua, ông liên tiếp được Hội nông dân Thành phố Cần Thơ công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Thành phố. Riêng năm ngoái ông được Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền./.
Tấn Phong/VOV – ĐBSCL