"Hành trình về nguồn" của Đoàn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc tại Bến Nhà Rồng (TP.HCM)
Đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền
Toàn tỉnh có 126 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) (21 di tích cấp quốc gia, 105 di tích cấp tỉnh). Tuy nhiên, việc kết nối giới trẻ với các “địa chỉ đỏ” hiện là một thách thức không nhỏ.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Lê Thị Hồng Kết, thách thức lớn là làm sao để hành trình đến với các “địa chỉ đỏ” thực sự cuốn hút. Nhiều thông tin tại các khu di tích còn trình bày khô khan, cứng nhắc như trong sách giáo khoa; trong khi các thuyết minh viên đôi khi vẫn chưa cập nhật thông tin mới, cách trình bày còn rập khuôn, không tạo được sự tò mò cho các bạn trẻ.
Thời gian qua, Đoàn các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền các DTLS-VH đến đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) bằng nhiều hình thức như hội thảo, tập huấn, thi viết, thi vẽ,...; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích quan trọng như Khu DTLS Ngã tư Đức Hòa, Vàm Nhựt Tảo, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, chùa Tôn Thạnh, Công viên tượng đài Long An,...
Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Giới thiệu DTLS cách mạng; sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền giá trị các DTLS đến thanh, thiếu niên và nhân dân.
Huyện Cần Giuộc hiện có 17 DTLS-VH (3 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh). Các di tích đều được trùng tu, tôn tạo và quản lý tương đối tốt. Qua đó, tạo một diện mạo mới về văn hóa để quảng bá hình ảnh của địa phương.
Thời gian qua, Huyện Đoàn Cần Giuộc luôn chú trọng đến việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương tại các khu di tích. Các buổi kết nạp đoàn viên, đội viên phần lớn được tổ chức tại các “địa chỉ đỏ”.
Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ: “Khi đến với các “địa chỉ đỏ”, ĐVTN sẽ cảm nhận được sâu sắc sự hy sinh của các anh hùng dân tộc, những vết tích chiến tranh. Từ đó, hun đúc thêm tinh thần yêu nước và lòng biết ơn, giúp thế hệ trẻ hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập và sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội”.
Bên cạnh việc tham quan các "địa chỉ đỏ" trong tỉnh, nhiều tổ chức Đoàn còn tổ chức cho ĐVTN trải nghiệm tại các “địa chỉ đỏ” ở các địa phương khác.
Đoàn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc mỗi năm thường tổ chức khoảng 6 hành trình về nguồn, trong đó có 2-3 chuyến đi đến các “địa chỉ đỏ” ngoài tỉnh.
Điển hình như năm vừa qua, Đoàn xã Mỹ Lộc tổ chức cho ĐVTN thăm Địa đạo Củ Chi và Bến Nhà Rồng (TP.HCM). Những chuyến đi này không chỉ giúp ĐVTN mở rộng hiểu biết về lịch sử mà còn góp phần hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và sự trân trọng đối với các DTLS-VH.
Có một học sinh (HS) từng nói: “HS chỉ chán học lịch sử trên trường chứ không HS nào chán lịch sử dân tộc cả!”. Thực tế cho thấy, phương pháp dạy học truyền thống dường như chưa đủ thu hút với các bạn trẻ trong thời đại 4.0.
Việc đổi mới trong việc dạy học tại các trường là cần thiết và đây cũng là một cách giúp giới trẻ trân trọng những giá trị lịch sử. Đồng thời, đây cũng là “chìa khóa” cho thế hệ trẻ tự tìm về với những “địa chỉ đỏ”, nơi chứa đựng hồn cốt và tinh thần dân tộc.
Cô Phương thường ứng dụng đa phương tiện vào các tiết dạy để các em học sinh hào hứng hơn trong các tiết học
Cô Lê Ngọc Thanh Phương - giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (huyện Cần Giuộc), chia sẻ: "Trong bộ tài liệu Giáo dục địa phương của tỉnh có nói về lịch sử hào hùng với tinh thần “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, cùng với những DTLS-VH cần được bảo tồn và phát huy. Tôi thường ứng dụng đa phương tiện để làm cho bài giảng sinh động hơn, tạo sự hứng thú cho các em. Nhà trường thường tổ chức các chuyến học tập trải nghiệm thực tế, đưa HS đến tham quan các “địa chỉ đỏ” trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giáo dục các em về lòng yêu nước, nuôi dưỡng tình yêu với các “địa chỉ đỏ”".
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2024 có 123 đoàn với hơn 21.000 lượt khách tham quan đến với bảo tàng, thư viện, các DTLS-VH và công trình văn hóa do Sở trực tiếp quản lý; hơn 67.000 HS, ĐVTN đến học ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các di tích; hơn 123.000 lượt ĐVTN, HS tham gia dọn dẹp, trồng cây tại các di tích.
"Trong thời đại công nghệ số, để thu hút người trẻ tìm về các "địa chỉ đỏ", cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp, các ngành trong việc trùng tu, tôn tạo hệ thống các di tích với nguồn kinh phí tương xứng với tầm vóc, quy mô của di tích. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá truyền thống; cần mở rộng việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi, thường xuyên trên các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram, Facebook,... và các mạng xã hội thuộc sở hữu của Việt Nam. Việc số hóa các “địa chỉ đỏ” cũng là bước đột phá của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Qua đó, giúp lưu giữ những hình ảnh, tài liệu và hiện vật không bị mai một theo thời gian,..."
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán
|
Nhiều cách làm sáng tạo
Việc ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá về các DTLS-VH tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn cho các bạn trẻ.
Phát huy tinh thần “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, Tỉnh Đoàn ra mắt công trình Trang thông tin số hóa lịch sử Tuổi trẻ Long An. Sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp video clip, âm thanh, hình ảnh, người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet, quét mã QR hoặc click vào đường dẫn truy cập vào website là có thể “du lịch thực tế ảo”.
Qua đó, ĐVTN và du khách có được thông tin đầy đủ, chi tiết về điểm di tích, tham quan khu trưng bày hiện vật. Trong ứng dụng có sẵn các biển, bảng để giới thiệu từng hạng mục, các tài liệu hoặc tranh, ảnh về hiện vật.
Với thuyết minh tiếng Việt bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách. Từ đó, tạo hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền đến ĐVTN về các công trình, DTLS thông qua ứng dụng công nghệ số.
Giao diện Trang thông tin số hóa lịch sử Tuổi trẻ Long An và mã QR
Trên địa bàn TP.Tân An hiện có 9 di tích (1 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh). Trong đó, DTLS Nhà Tổng Thận (phường 1, TP.Tân An) là “địa chỉ đỏ” chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những ngày đầu xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, vì khách tham quan chủ yếu là khách đoàn nên công tác quảng bá, giới thiệu di tích còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều người trẻ.
Do đó, Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An xây dựng mô hình Cà phê Sách tại di tích từ tháng 4/2022. Đến nay, mô hình không chỉ cung cấp không gian thư giãn với cà phê và sách mà còn kết hợp các hoạt động trải nghiệm tham quan di tích.
Đây là cách tiếp cận hiện đại và gần gũi hơn với giới trẻ, tạo sự kết nối tự nhiên giữa việc học lịch sử và những hoạt động giải trí. Nhờ vậy, lượng khách trẻ đến với di tích ngày càng tăng, tạo được sự hứng thú và gắn kết hơn với thế hệ trẻ.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An - Lê Thị Ngọc Thuận cho biết: “Để thu hút giới trẻ tìm về các DTLS-VH, điều quan trọng là phải đổi mới cách tiếp cận và truyền tải thông tin. Chúng tôi đang áp dụng công nghệ số hóa di tích, không chỉ làm mới cách giới thiệu mà còn tạo ra các trải nghiệm trực quan, sinh động. Điều này giúp các bạn trẻ dễ dàng kết nối hơn với lịch sử và cảm thấy hứng thú. Dự án đã hoàn thành và ra mắt vào ngày 16/8/2024, mang lại nhiều tiện ích trong việc khám phá các "địa chỉ đỏ" trên địa bàn thành phố”.
Thực tế, việc thu hút giới trẻ đến với các "địa chỉ đỏ" đòi hỏi những cách tiếp cận mới mẻ và hấp dẫn.
Các giải pháp sáng tạo như ứng dụng công nghệ số và tổ chức các hoạt động trải nghiệm độc đáo đã mở ra cơ hội để “địa chỉ đỏ” trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa mà còn tạo động lực cho giới trẻ tìm về cội nguồn dân tộc./.
Khánh Duy