Tiếng Việt | English

23/08/2019 - 15:00

Lần đầu áp sàn riêng ngành y dược, trường đại học chật vật tuyển sinh

Việc áp điểm sàn cho khối ngành y dược đã khiến hàng loạt trường nhóm dưới lao đao vì thiếu chỉ tiêu, nhưng đã giúp chấm dứt tình trạng 4 điểm/môn cũng đỗ trường y, đảm bảo chất lượng nhân lực y tế.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt điểm sàn riêng cho khối ngành y dược với tiêu chuẩn khá cao, nhằm siết chặt chất lượng đầu vào. Việc tuyển sinh khối ngành này của các trường đại học lập tức lao đao khi không đủ nguồn tuyển. Hàng loạt trường phải công bố xét bổ sung.

Chấm dứt 4 điểm một môn cũng đỗ trường y

Việc hàng loạt các trường đại học mở ngành y dược và lấy điểm chuẩn thấp đã khiến xã hội không khỏi lo ngại vì đây là ngành học có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân. Theo các chuyên gia giáo dục, việc mở tuyển sinh ngành y sẽ giúp mang lại cho các trường nguồn thu lớn khi đây là ngành học có mức thu học phí cao nhất theo Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, nhu cầu của người học với khối ngành y dược cũng khá lớn. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số lượng nguyện vọng đăng ký dự tuyển khối ngành sức khỏe là gần 200.000 nguyện vọng trong khi số chỉ tiêu chỉ trên 34.000 em. Tỷ lệ chọi là gần 6 nguyện vọng/chỉ tiêu.

Nhu cầu người học lớn, có thể thu học phí cao nên rất nhiều trường đã mở ngành đào tạo y dược và sẵn sàng hạ điểm chuẩn thấp để hút thí sinh.

Năm 2018, điểm chuẩn ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật y sinh của Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ 15 điểm cho ba môn thi. Nếu tính cả điểm ưu tiên thì ở mỗi môn, thí sinh chỉ cần đạt 4 điểm. Ngành Dược có mức điểm chuẩn là 16 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn các ngành Dược học, Điều dưỡng của Đại học Kinh doanh và công nghệ năm 2018. Trong năm này, điểm chuẩn ngành Điều dưỡng của Đại học Duy Tân thậm chí chỉ ở mức 13 điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt hơn 4 điểm/bài thi, thậm chí chỉ hơn 3 điểm/bài thi nếu thí sinh được cộng điểm ưu tiên, là đủ điểm đỗ. Ngành có điểm chuẩn cao nhất ở các trường này là Y đa khoa, cũng chỉ dừng lại ở mức 18 điểm.

Có sự chênh lệch khá lớn giữa điểm chuẩn của các trường đào tạo ngành y

Thậm chí, ngay ở các trường có truyền thống về đào tạo khối ngành y, dược, điểm chuẩn cũng khá thấp. Đại học Điều dưỡng Nam Định tuyển sinh bốn ngành là Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng và Dinh dưỡng. Năm 2018, điểm chuẩn các ngành chỉ từ 15 đến 17,25 điểm. Trong đó, các ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng có điểm chuẩn 15 điểm. Ngành Hộ sinh nhỉnh hơn với 15,75 điểm, ngành Điều dưỡng cao nhất, ở mức 17,25 điểm.

Không chỉ năm 2018, điểm chuẩn khối ngành y, dược thấp là tình trạng diễn ra trong nhiều năm. Lãnh đạo nhiều trường đại học khối ngành y dược, đại diện Bộ Y tế nhiều lần lên tiếng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần siết lại việc đào tạo khối ngành y dược để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Điểm sàn đào tạo ngành y dược do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy đinh năm 2019. Trong đó, nhóm ngành khác gồm Y học dự phòng, Hộ sinh, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng

Vì thế, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần đầu tiên đưa quy định áp quy định điểm sàn riêng cho khối ngành này. Theo đó, với phương thức xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm sàn của ngành Y khoa 21 là điểm; Răng Hàm Mặt là 21 điểm; Y học cổ truyền 20 điểm; Dược học 20 điểm. Các ngành Y học dự phòng, Hộ sinh, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 18 điểm. Mức điểm sàn này áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển. Mức điểm tối thiểu không nhân hệ số của thí ở khu vực 3 đối với mỗi tổ hợp xét tuyển gồm ba môn thi, bài thi.

Theo đó, tất cả các thí sinh có điểm thi dưới 18 điểm sẽ không có cửa vào trường y. Tình trạng thí sinh chỉ đạt 4 hay 5 điểm/môn cũng đủ đỗ trường y đã chính thức bị dẹp bỏ.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trường đại học nhóm dưới chật vật tuyển sinh

Việc siết điểm sàn đã lập tức khiến nhiều trường tuyển sinh khối ngành y dược lao đao. Dù đã lấy điểm chuẩn ở mức thấp nhất là bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, hàng loạt trường phải công bố xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu cao ngất ngưởng so với các ngành học khác.

Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng, nhận hồ sơ từ 18 điểm. Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An) thông báo tuyển bổ sung 265 chỉ tiêu cho hai ngành hệ đại học là Y học dự phòng và Điều dưỡng; ba ngành hệ cao đẳng là Điều dưỡng và Dược học, Kỹ thuật hình ảnh y học.

Đại học Điều dưỡng Nam Định có tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 là 580 sinh viên. Tuy nhiên, kết thúc đợt một, trường chỉ tuyển được hơn một nửa, chủ yếu ở ngành Điều dưỡng, và phải công bố tuyển bổ sung 253 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Hộ sinh có chỉ tiêu 50 sinh viên thì thiếu đến 47 em, ngành Y tế công cộng có 20 chỉ tiêu thì phải tuyển bổ sung đến 18 em, ngành Dinh dưỡng cũng phải xét bổ sung 14 chỉ tiêu trên tổng số 20 chỉ tiêu.

Với các trường ngoài công lập, tình trạng trống chỉ tiêu còn lớn hơn nhiều. Hầu hết các trường đều phải xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành đào tạo khối sức khỏe.

Dù áp dụng nhiều chính sách học bổng như miễn 100% học phí cho thí sinh đoạt từ giải ba các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, giảm 50% học cho học sinh có điểm thi Trung học phổ thông quốc gia đạt từ 22,5 điểm trở lên, nhưng kết thúc đợt một, Đại học Phenikaa vẫn chỉ tuyển được một phần ba chỉ tiêu cho ngành Dược học và Điều dưỡng. Tổng chỉ tiêu mỗi ngành là 300 sinh viên, nhưng trường phải công bố xét tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu mỗi ngành, cao gấp 4 lần số chỉ tiêu bổ sung của các ngành học khác.

Năm nay, Đại học Nguyễn Tất Thành sử dụng tới 5 phương thức xét tuyển: theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, theo học bạ, theo bài thi năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các chính sách tuyển thẳng và kỳ thi riêng của trường. Tuy nhiên, sau đợt một, cả 7 ngành khối sức khỏe của trường đều không đủ chỉ tiêu và phải xét tuyển bổ sung.

Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam có chỉ tiêu tuyển sinh không lớn, chỉ vài chục chỉ tiêu mỗi ngành. Tuy nhiên, kết thúc đợt một, trường vẫn phải công bố xét tuyển bổ sung cho cả 5 ngành. Điểm xét tuyển ở mức tối thiểu, bằng điểm sàn thấp nhất dành cho khối ngành y dược của Bộ Giáo dục và Đào tạo: từ 18 điểm.

Đại học Tân tạo có 3 ngành phải xét tuyển bổ sung thì cả ba ngành đều thuộc khối y dược, gồm Y khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y. Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng thông báo xét tuyển bổ sung 5 ngành là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng và Dược học. Đại học Phan Châu Trinh tuyển bổ sung ba ngành sức khỏe là Y khoa, Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Đại học Duy Tân tuyển bổ sung khối ngành sức khỏe gồm ngành Y khoa, Răng-hàm-mặt, Dược học và Điều Dưỡng.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đặt điểm sàn có thể sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển sinh của một số trường nhóm dưới. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết để nâng cao chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của nhóm ngành sức khỏe. Đây cũng là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành y tế, nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết