Cảnh sát Israel khống chế người biểu tình bạo động tại Đông Jerusalem ngày 09/12. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo hãng tin Pháp AFP, các cuộc biểu tình đã bùng phát trong ngày 10/12 tại khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các nước Arab và Hồi giáo trong đó có Liban, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập, và các vùng lãnh thổ Palestine.
Các lực lượng an ninh Liban đã phải bắn đạn hơi cay và dùng vòi rồng giải tán hàng trăm người biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Beirut.
Những người biểu tình đã tập trung cách Đại sứ quán Mỹ khoảng 1km, ném đá và lốp xe cháy vào trụ sở phái bộ ngoại giao của Mỹ.
Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình và Các lực lượng an ninh nội địa Liban (ISF). Theo một tuyên bố của ISF, 19 thành viên của lực lượng này đã bị thương, trong đó có 1 người phải phẫu thuật.
Trước khi nổ ra biểu tình, các lực lượng an ninh Liban đã phong tỏa mọi tuyến đường dẫn tới Đại sứ quán Mỹ cũng như thắt chặt an ninh xung quanh khu vực này.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại thủ đô Rabat của Maroc.
Đoàn người biểu tình đã hô các khẩu hiệu phản đối Mỹ và cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đối với ổn định khu vực và quốc tế.
Cuộc tuần hành này diễn ra sau hàng loạt cuộc biểu tình ở một số thành phố của Maroc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Quốc vương Maroc Mohammed VI - người đứng đầu tổ chức Hợp tác Hồi giáo al-Quds, cũng đã bày tỏ “quan tâm sâu sắc” đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đổ ra các đường phố ở Istanbul phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump về Jerusalem. Những người biểu tình đã vẫy cờ Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ, hô các khẩu hiệu phản đối Israel và Mỹ.
Theo Tân Hoa xã, phát biểu với đám đông người biểu tình, thủ lĩnh đảng Felicity Temel Karamollaoglu kêu gọi các nước Hồi giáo công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine, cũng như cắt đứt quan hệ quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao với Israel.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là "không có giá trị".
Ông cảnh báo có thể sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Istanbul vào ngày 13/12 tới.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại lập trường của Paris không tán thành quyết định của Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Thông cáo báo chí ra ngày 10/12 của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ Paris tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên nhượng bộ và tránh để xảy ra các hậu quả tiêu cực đối với toàn khu vực nhằm hướng tới khôi phục hòa bình.
Tại Jakarta, khoảng 5.000 người Indonesia đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ nhằm biểu thị sự đoàn kết với người dân Palestine.
Tại Ai Cập, nhiều sinh viên và giáo viên các trường đại học ở thủ đô Cairo biểu tình phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem.
Trong khi đó, người dân Palestine tiếp tục xuống đường biểu tình trong ngày 10/12 tại các vùng lãnh thổ Palestine dù quy mô nhỏ hơn so với các ngày trước. Biểu tình và đụng độ đã nổ ra ở trại tị nạn Al-Arroub ở phía Nam Bờ Tây, khiến 1 người bị thương.
Theo thống kê của các quan chức y tế Palestine, hơn 1.100 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ từ ngày 7-9/12.
Cũng trong ngày 10/12, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các bên thận trọng, đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo trên thế giới tránh để xảy ra "vòng xoáy bạo lực mới".
Liên quan vấn đề trên, trong phiên họp ngày 10/12, Hạ viện Jordan đã thông qua đề xuất xem xét lại thỏa thuận hòa bình giữa Jordan và Israel sau quyết định của Mỹ.
Theo hãng thông tấn nhà nước Petra, Hạ viện Jordan đã đề nghị ủy ban pháp luật xem xét lại toàn bộ thỏa thuận với Israel trong đó có thỏa thuận hòa bình Wadi Araba 1994 được Jordan và Israel ký năm 1994.
Chủ tịch Hạ viện Jordan Atef Tarawneh cho biết Jordan sẽ tiếp tục thực thi các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp đối với quyết định trên của Mỹ cũng như để bảo vệ Jerusalem.
Sau khi Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Jordan đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái trên. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở Jordan nhằm biểu thị sự phản đối.
Chủ tịch Hạ viện Jordan cho biết nước này sẽ tham dự cuộc hợp đặc biệt của OIC tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này để thảo luận tình hình hiện nay.
Nghị viện Arab cũng sẽ triệu tập một cuộc họp tại Cairo trong ngày 11/12 theo đề nghị của Jordan./.
Theo TTXVN