Người Việt Nam vốn rất quan tâm đến gia đình bởi đó là “cái nôi” nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Gia đình còn là “tế bào xã hội”, là tổ ấm chia sẻ ngọt, bùi, là chốn bình yên để trở về sau những tất bật lo toan trong cuộc sống, mưu sinh. Chính vì vậy, các thế hệ con cháu luôn tiếp nối, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làm nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có những mặt trái, tiêu cực đã và đang tác động đến môi trường gia đình, nhiều giá trị văn hóa của GĐVN bị ảnh hưởng. Việc nước ta chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày GĐVN thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác gia đình cũng như đề cao vai trò, ý nghĩa, truyền thống gia đình trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa. Qua 20 năm triển khai, Ngày GĐVN ngày càng trở nên quen thuộc, góp phần củng cố, phát huy, lan tỏa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, của gia đình Việt Nam. Qua đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, thể, mỹ, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đặc biệt, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đều tăng và xuất hiện ngày càng nhiều gia đình nông dân văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình vượt khó vươn lên, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ mẫu mực,... Phong trào xây dựng gia đình văn hóa không những phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp ở mỗi gia đình mà còn nêu cao ý thức gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Qua đó, phát triển nhiều khu dân cư văn hóa, xã văn hóa - nông thôn mới, đô thị văn minh. Đó cũng chính là cơ sở xây dựng các tế bào gia đình hạnh phúc, lành mạnh, giảm thiểu các hành vi bạo lực gia đình.
Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống KT-XH. Một số huyện trọng điểm của tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân thực hiện quy định hạn chế đến mức thấp nhất tập trung đông người, họp mặt, giao lưu, tiệc tùng,… Trong khó khăn vẫn có những mặt tích cực. Đó là khoảng thời gian “sống chậm” để mọi người trong gia đình có thời gian, điều kiện quan tâm, chăm sóc, gắn bó nhau hơn. Bữa cơm gia đình có thể không sung túc như trước nhưng đông vui, ấm áp hơn. Thành viên trong gia đình có nhiều cơ hội chuyện trò; người lớn có điều kiện bảo ban, dạy dỗ con em; trẻ em có cơ hội sống trọn vẹn trong tình yêu thương của gia đình. Tuy nhiên, nếu không khéo léo thì những lúc này cũng có thể làm tăng những áp lực cuộc sống, những va chạm có thể dẫn đến bất hòa.
Kỷ niệm Ngày GĐVN 28-6 hàng năm là dịp tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh truyền thông, vận động để tạo sức lan tỏa về các chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của GĐVN, nhất là truyền thống đoàn kết, yêu thương, sẻ chia. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động hưởng ứng Ngày GĐVN phải thiết thực, tiết kiệm, phù hợp và bảo đảm an toàn về sức khỏe. Trong đó, một hoạt động mà gia đình nào cũng có thể tổ chức là “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương” với đầy đủ các thành viên trong nhà.
Chúc các gia đình có một Ngày GĐVN hạnh phúc, ý nghĩa, trọn vẹn niềm vui!
Kim Quy