Tiếng Việt | English

17/10/2023 - 11:13

Lan tỏa tinh thần 'tương thân, tương ái'

Đảng, Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách thiết thực giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, trong xã hội cũng có nhiều “tấm lòng vàng”, thảo thơm thường xuyên giúp đỡ cho những hoàn cảnh đáng thương.

1. Những ngày cuối tháng 8/2023, câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Vy (SN 2005, ngụ thị trấn Bến Lức, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có hoàn cảnh khó khăn, thi đậu Đại học Bách Khoa TP.HCM làm nhiều người cảm thương. Mẹ của Thu Vy vì hoàn cảnh khốn khó đã bỏ lại Thu Vy và 3 đứa em gái cho người cha nuôi dưỡng. Nhưng cha của Thu Vy không may bị bạo bệnh, qua đời, để lại 4 chị em Thu Vy cho người cô chăm sóc trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Vì nhiều lý do, em gái của Thu Vy là Nguyễn Thị Thu Cẩm nghỉ học khi vừa hết lớp 9 để đi làm, tạo điều kiện cho Thu Vy và 2 em đến trường. Hiện nay, Thu Cẩm làm việc tại Cơ sở may màn cửa của chị Đỗ Thị Thoại Yến (SN 1987) tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức. Và cũng từ lâu, ngoài người cô, chị Thoại Yến trở thành mẹ đỡ đầu, chỉ bảo cho 4 chị em Thu Vy trong việc định hướng nghề nghiệp, học hành.

Chị Đỗ Thị Thoại Yến và các con ruột, con nuôi là chị em của Thu Vy

Ở thị trấn Bến Lức hay xã Nhựt Chánh, chị Thoại Yến là cái tên thân quen với khá nhiều người với tinh thần thiện nguyện, “tương thân, tương ái”. Chị Thoại Yến kể, chị bén duyên với công việc thiện nguyện từ năm 2009. Lúc ấy, chị đi sinh con ở bệnh viện thì gặp một gia đình người dân tộc nghèo sinh con bị khuyết tật. Dù kinh tế gia đình chị cũng còn bấp bênh nhưng chị vẫn rủ một vài người bạn hùn tiền mua sữa, tã và một vài vật dụng khác cho em bé.

Chị Thoại Yến kể, chị may mắn có được nghề may màn cửa, tiếp xúc khá nhiều khách hàng. Hầu hết khách hàng đều thương mến chị bởi tính thiệt thà, kỹ lưỡng trong quá trình làm dịch vụ. Chính điều này cũng giúp chị nhiều trong công tác thiện nguyện. Những năm dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở may màn cửa của chị được dọn dẹp gọn gàng để dành chỗ chứa mì gói, gạo,... phát cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả kinh phí đều do chị đứng ra vận động bạn bè, khách hàng ủng hộ. Kể từ lần đầu tiên làm việc thiện, đến nay, chị Thoại Yến không nhớ mình đã giúp cho bao nhiêu hoàn cảnh. Cứ biết hoàn cảnh nào khó khăn, chị lại cùng một số bạn bè rộng vòng tay giúp đỡ bằng cách tặng tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm, quần áo,…

Đặc biệt, đối với hoàn cảnh của Thu Vy, ngoài sự đùm bọc của chị Thoại Yến, đã có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ em kinh phí học tập. Hiện chị Thoại Yến giúp gia đình em Thu Vy quản lý và sử dụng tiền đúng mục đích, hợp lý để em yên tâm bước vào giảng đường đại học. Ba người em của Thu Vy cũng được chị Thoại Yến tạo việc làm, lo việc học và định hướng tương lai.

2. Anh Nguyễn Lê Duy là cán bộ làm việc tại UBND xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Trong công việc, anh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp. Ngoài giờ làm, anh dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện.

Anh Lê Duy từng nói “Làm việc thiện không đợi giàu”, việc làm thiện của anh xuất phát từ cái tâm, muốn giúp người kém may mắn. Hiện anh hoạt động không có tổ, nhóm cụ thể nhưng khi có thông tin người cần giúp là anh vận động người quen, người thân giúp. Đó có thể là một cuốc xe giữa đêm khuya chở người bị tai nạn vào bệnh viện do chính anh cầm lái, có khi anh thuê taxi đưa người lỡ đường, người già, người bệnh tâm thần đi lạc về với gia đình. Việc làm thiện nguyện của anh ngày càng lan tỏa, được nhiều người biết đến. Mấy năm nay, mỗi dịp lễ, tết, anh còn vận động mạnh thường quân tổ chức phát nước uống cho người đi xe máy từ quê trở về TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ.

Anh Nguyễn Lê Duy trong 1 chuyến chở người bệnh tâm thần bị lạc gia đình về tỉnh Tiền Giang

Trong tháng 9/2023, anh Lê Duy được một người bạn thông báo tại xã An Thạnh có một hoàn cảnh thương tâm. Người chồng bị tai nạn giao thông hơn 1 tháng phải nằm một chỗ, người vợ đang chăm sóc chồng chẳng may bị nhồi máu cơ tim, qua đời. Hay tin, anh đến tận gia đình tìm hiểu, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội và kêu gọi sự chung tay của bạn bè, người thân. Ở trường hợp này, anh Lê Duy cùng nhiều nhóm thiện nguyện khác đã quyên góp được 58,6 triệu đồng và trao đến gia đình. Khi làm việc thiện, đối với anh Lê Duy không có ranh giới hay giới hạn người trong huyện hay nơi khác. Cũng trong tháng 9/2023, anh cũng vận động bạn bè giúp một gia đình mà người cha là “gà trống” nuôi 5 người con còn nhỏ, do bệnh tật đã qua đời tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc với số tiền 22,7 triệu đồng.

Ngoài anh Lê Duy, chị Thoại Yến, trên địa bàn huyện Bến Lức còn nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện khác hoạt động trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Họ là những người không phải có tiềm lực kinh tế lớn, chỉ hưởng lương từ Nhà nước hay trang trải cuộc sống bằng sức lao động của chính mình. Nhưng ở họ luôn giàu lòng thương yêu người khác, bỏ công sức ra huy động sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người giúp gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là tinh thần “tương thân, tương ái” được người dân Việt Nam lưu giữ từ đời này sang đời khác và giúp nhân dân vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết