Tiếng Việt | English

17/10/2022 - 10:38

'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Hôm nay 17/10, là Ngày Vì người nghèo. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của cộng đồng để quan tâm, chăm lo, giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hưởng ứng Ngày Vì người nghèo, ngày 14/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức họp báo về Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022. Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022 (17/10/2022 – 18/11/2022).

Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” vàthực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỉ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỉ đồng; vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội của các địa phương trên 15.448 tỉ đồng.

Ở Long An, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều giải pháp, hoạt động giảm nghèo được cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng tham gia. Qua đó thực hiện tốt chế độ, chính sách, trao sinh kế, tạo việc làm, xây nhà tình thương, tặng quà, học bổng, khám, chữa bệnh miễn phí,... cho người nghèo được triển khai, thực hiện thường xuyên, đột xuất khắp các địa phương.

Trong hệ thống chính trị và xã hội có nhiều phong trào, hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo, khó khăn từ nội bộ đến ngoài xã hội. Tuy nhiên, không có phong trào nào có sức sống, sức thu hút, lan tỏa sâu, rộng như phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là nơi hội tụ giữa truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, tinh thần nhân đạo, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta cùng chung tay chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo. Chính sự kết hợp chặt chẽ đó đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào mục tiêu giảm nghèo bền vững; củng cố, bồi đắp niềm tin, nâng cao nghị lực, ý chí cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Dễ dàng nhận thấy ở mọi nơi, mọi lúc, tinh thần “tương thân, tương ái” được “đơm hoa, kết trái”, đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần “tương thân, tương ái” càng được phát huy cao độ. Từ những ký gạo, bó rau, con cá, hộp sữa, suất ăn đến miễn, giảm tiền nhà trọ, tặng khẩu trang, tình nguyện tham gia chống dịch,... đã tô đậm thêm truyền thống “thương người như thể thương thân”, “bầu bí chung giàn”. Những nghĩa cử tốt đẹp của các cấp chính quyền, sự vào cuộc kịp thời của các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã lan tỏa yêu thương trong cộng đồng, cùng san sẻ với người nghèo. Đó chính là cơ sở, nền tảng của tình yêu quê hương, đất nước.

Hiện nay, chính sách giảm nghèo đã chuyển từ cho “con cá” sang trao chiếc “cần câu” cho người nghèo. Theo đó, việc dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất,... là những chính sách ưu tiên thực hiện, đã phát huy tác dụng, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 4.700 tỉ đồng (tăng 50 lần so với thời điểm trước). Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1,3% hộ nghèo.

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã và đang được các cấp, các ngành thực hiện bằng mệnh lệnh của trái tim. Từ đó tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ai ai cũng có thể tham gia vào phong trào ý nghĩa này!./.

Tân An

Chia sẻ bài viết