Tiếng Việt | English

24/10/2017 - 01:45

Lắng đọng cùng “Tình ca Bắc Sơn”

Hình ảnh quê hương như khắc họa rõ nét, đủ đầy qua từng ca khúc trong các đêm diễn ra cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn. Những ca từ mộc mạc, hồn hậu chạm đến trái tim người nghe, gợi lên tình quê da diết...

Thực hiện di nguyện của cha

Sau hơn 3 tháng diễn ra từ vòng sơ tuyển đến đêm gala chung kết xếp hạng, cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn khép lại. Cuộc thi không đơn thuần là một sân chơi âm nhạc mà còn là việc biến di nguyện của cố nhạc sĩ (NS) Bắc Sơn thành hiện thực. Tổng Giám đốc Tập đoàn An Nông, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, con gái thứ 9 của cố NS Bắc Sơn - Trương Thị Thủy Trường (nghệ sĩ, doanh nhân Bích Thủy) chia sẻ: “Hơn 1 năm trước, khi soạn những tài liệu của cha để lại, tôi và chị gái là ca sĩ Hạ Châu thấy một bức di thư. Di thư nói về sáng tác âm nhạc, trong đó có ý: Tác phẩm âm nhạc của cha sáng tác rất nhiều nhưng có những ca khúc ít phổ biến ở Việt Nam. Từ đó, chị em tôi băn khoăn, làm thế nào để tác phẩm âm nhạc của cha được phổ biến rộng rãi trong công chúng...”.

Ca sĩ, doanh nhân Bích Thủy - con gái thứ 9 của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, trình bày ca khúc “Qua nhịp cầu tre” trong đêm gala chung kết xếp hạng

Thế rồi, tháng 4/2006, Đoàn Văn nghệ thiện nguyện “Còn thương rau đắng mọc sau hè” ra đời, lấy tên một ca khúc quen thuộc, nổi tiếng của cố NS Bắc Sơn. Theo bà Bích Thủy: Đoàn văn nghệ này thường hát phục vụ trong các cuộc hội thảo của nông dân, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và các lễ hội. Nhân ngày Giỗ tổ ngành Sân khấu vừa qua, Đoàn văn nghệ thiện nguyện đổi tên thành đoàn “Tình ca Bắc Sơn”, tiếp tục mang dòng nhạc quê hương của cố NS đến với người nghe.

“Lúc đoàn đổi tên cũng là thời điểm diễn ra cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn. Cuộc thi được tổ chức với mong muốn, khán, thính giả và các ca sĩ biết đến một số tác phẩm âm nhạc chưa được phổ biến nhiều của cha: Mùa bông điên điển, Về thăm quê ngoại, Còn nghe thương thầm, Gió đưa bông sậy, Con tư Bến Tre,... Song song cuộc thi, tôi mời các ca sĩ: Hương Lan, Hạnh Nguyên, Đông Đào, Bích Phượng thu âm và làm việc với đại diện của Nhaccuatui.com đăng tải những ca khúc này lên mạng để mọi người chia sẻ. Đồng thời, tôi hợp đồng với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Tiền Giang, VTC16 phát chương trình “Tình ca Bắc Sơn” vào mỗi tháng. Một chương trình khi phát gồm 5 bài, vừa có bài phổ biến nhiều, vừa có bài ít phổ biến, từ đó, người nghe sẽ tiếp cận được những tác phẩm của cha” - bà Bích Thủy cho biết thêm.

Từ di nguyện của cha và quyết tâm thực hiện của 2 con gái, cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn trở thành nhịp cầu đưa dòng nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca đến gần người nghe.

Giữ sức sống dòng nhạc quê hương

Không chỉ nổi danh bởi những làn điệu dân ca Nam bộ mượt mà, cố NS Bắc Sơn còn là tác giả quen thuộc của dòng nhạc quê hương. Hình ảnh quê hương đi vào những ca khúc của cố NS rất đỗi thân thương, để lại nỗi niềm lắng đọng trong lòng người nghe. Đó là nhịp cầu tre, chùm bông khế, bông sậy, chái bếp, rau đắng, chiếc cối,... Ca từ gợi tả “hồn quê” trong dòng nhạc Bắc Sơn cũng mộc mạc, hồn hậu. Nó giản dị đến mức người ta gọi đó là “chất Bắc Sơn”. Ca sĩ Hạ Châu - con gái thứ 5 của cố NS Bắc Sơn, giải thích, “chất Bắc Sơn” là cách dùng ca từ đậm chất phương ngữ của người dân Nam bộ. Chẳng hạn, trong vài ca khúc viết về quê hương, cha dùng: Miểng vùa, nuộc dây, mưa heo gió mèo,... là những từ phương ngữ. Vì vậy, ngoài sự luyến láy, thí sinh phải hiểu đúng nghĩa những từ này mới có thể hát tốt, hát đúng dòng nhạc của cha khi tham gia cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn.

Lâm Văn Cờ - thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn, thể hiện ca khúc “Mùa bông điên điển” trong đêm gala chung kết xếp hạng

Vốn yêu thích dòng nhạc của cố NS Bắc Sơn khi còn là nữ sinh THPT nên tham gia cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn, chị Lê Thị Hồng Thắm (công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An) thể hiện tương đối “tròn trịa”.

Chất giọng ngọt ngào, trong trẻo và khỏe khoắn là thế mạnh của chị khi thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Nhưng không phải nhạc dân ca đều dễ hát, dòng nhạc Bắc Sơn cũng đậm chất dân ca nhưng có nhiều tác phẩm rất khó thể hiện. Một trong số ấy là “Con tư Bến Tre” mà chị Hồng Thắm trình bày trong đêm gala chung kết xếp hạng. Chị Thắm nói: “Đây là ca khúc có tiết tấu nhanh, quãng rộng, câu dài lại lên cao, xuống thấp đột ngột nên đòi hỏi người hát phải biết giữ hơi, giữ nhịp”. Để thể hiện tốt, chị nghe đi nghe lại nhiều lần bài hát này do ca sĩ trình bày để học cách hát, luyến láy. “Những tiết tấu khó, tôi xử lý theo cách của mình để tạo dấu ấn riêng khi thể hiện ca khúc” - chị Thắm nói thêm.

Còn Nguyễn Thị Như Ý, trong đêm gala chung kết xếp hạng, em làm người nghe cảm động khi đưa câu chuyện kịch minh họa cho bài “Về thăm quê ngoại”. Những tình cảm, món ăn quê hương của ngoại như ùa về trong mỗi người. Lúc còn nhỏ, Như Ý từng nghe ca khúc của cố NS Bắc Sơn và ấn tượng với những hình ảnh chân quê như vậy nên khi thể hiện bài hát, em như gửi gắm niềm tâm sự của mình! Như Ý chia sẻ: “Lúc nhỏ, em thích nghe bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè” nhưng chưa biết nhiều về NS Bắc Sơn. Đến khi Tập đoàn An Nông trao học bổng tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An và trong phần biểu diễn văn nghệ có trình bày nhiều ca khúc của NS Bắc Sơn thì em biết thêm những bài hát mới và thích nghe dòng nhạc của ông. Vì vậy, khi Tập đoàn An Nông tổ chức cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn, em đăng ký ngay. Ngoài việc thử sức với những làn điệu dân ca, em còn vui khi được góp lời ca, tiếng hát của mình để đưa âm nhạc Bắc Sơn đến với khán, thính giả”.


Thí sinh Nguyễn Thị Như Ý trình bày ca khúc “Về thăm quê ngoại”

Một cuộc thi luôn có thắng, thua nhưng điều này không quan trọng. Ý nghĩa nhất là các thí sinh tham gia cuộc thi với tấm lòng dành cho cố NS Bắc Sơn. Vì thế, thí sinh Đình Lộc không ngại đường xa, từ Phú Quốc vào TP.HCM tham gia cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn. Ngoài hát hay, trong đêm gala chung kết xếp hạng, thí sinh Đình Lộc đưa lên sân khấu những nhạc cụ dân tộc khi thể hiện bài hát “Còn nghe thương thầm” như một thông điệp về sự gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, thí sinh Đình Lộc để lại ấn tượng bởi trang phục áo dài in họa tiết là hình cố NS Bắc Sơn và một vài bài hát của ông. Đó là cái tình của thí sinh với cố NS cũng như cái tình, niềm đam mê với dòng nhạc quê hương.

Cũng vì đam mê mà trong cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn, các thí sinh mang đến nhiều bất ngờ cho Ban Giám khảo. Ca sĩ Hạ Châu cho biết: “Không ngờ, ngoài những bài hát phổ biến, các thí sinh còn tìm tòi, thể hiện nhiều ca khúc ít phổ biến của cha. Nhìn chung, khi hát nhạc Bắc Sơn, các thí sinh đều trình bày tốt”.

Cuộc thi Tiếng hát Tình ca Bắc Sơn khép lại nhưng những làn điệu dân ca, những bài hát chở nặng tình quê vẫn lắng đọng trong lòng người nghe. Dòng nhạc Bắc Sơn - dòng nhạc quê hương mãi còn sức sống, sẽ đi vào lòng người ngày càng nhiều hơn./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết