Tiếng Việt | English

11/07/2015 - 14:45

Lãnh án 13 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và “ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Sáng ngày 10-7-2015, TAND tỉnh Long An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Hà Thị Phương Thảo (SN 1984), Mai Đức Thiện (SN 1982) cùng ngụ 234B, Ô7, khu B, Thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa về tội danh “Tham ô tài sản”; Phạm Thị Hồng Nhung (SN 1977, ngụ ấp 1, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Xuất phát từ nhu cầu chi tiêu cá nhân, bị cáo Hà Thị Phương Thảo là kế toán của Trường THCS Thi Văn Tám đã nảy sinh ý định và thực hiện chiếm đoạt tiền ngân sách, tiền học phí của trường bằng cách thức, thủ đoạn mua hàng hóa tại các cửa hàng, đại lý mang về sử dụng sau đó làm chứng từ giả chuyển khoản thanh toán; mua hóa đơn khống, làm chứng từ giả chuyển khoản yêu cầu chủ cửa hàng rút tiền mặt trả lại, sau khi đã trừ tiền mua hóa đơn.

Bị cáo Thảo bàn bạc với Mai Đức Thiện (chồng Thảo) xuất hóa đơn khống để chuyển tiền vào thẻ ATM của Thiện. Sau đó 2 vợ chồng rút tiền nhằm mục đích tiêu xài cá nhân. Với các thủ đoạn trên, từ tháng 2-2012 cho đến tháng 9-2013, bị cáo Thảo đã rút tiền ra khỏi Kho bạc huyện Đức Hòa bằng 86 giấy rút dự toán ngân sách giả và 13 giấy ủy nhiệm chi giả cùng với chứng từ chi giả kèm theo tổng số tiền bị cáo Thảo chiếm đoạt là 428.283.000 đồng. Bị cáo Thảo khắc phục hậu quả 272.597.000 đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Mai Đức Thiện biết rõ cách thức, thủ đoạn phạm tội của bị cáo Thảo khi Thảo nói với Thiện xuất hóa đơn khống cho Thảo làm chứng từ giả chuyển vào thẻ ATM của Thiện nhằm chiếm đoạt tiền để tiêu xài, Thiện đồng ý và đã xuất 10 hóa đơn khống với tổng số tiền 45.655.000 đồng, số tiền này được Thiện rút ra cùng Thảo chi tiêu trong gia đình.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Phạm Thị Hồng Nhung là kế toán kiểm soát chi của Kho bạc huyện Đức Hòa. Trong quá trình kiểm soát giấy rút dự toán ngân sách giả và chứng từ chi giả kèm theo của bị cáo Thảo nộp yêu cầu chuyển khoản thì bị cáo Nhung không đối chiếu mẫu chữ ký chủ tài khoản lưu tại kho bạc, không kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ chi hoặc có đối chiếu, kiểm tra nhưng chỉ đối chiếu, kiểm tra qua loa, chiếu lệ vì tin đó là những giấy rút dự toán ngân sách, chứng từ chi thật nên duyệt chi chuyển khoản, từ đó tạo điều kiện cho Hà Thị Phương Thảo phạm tội.

Với hành vi trên, bị cáo Nhung đã ký duyệt kiểm soát chi 87 chứng từ với tổng số tiền 375.326.000 đồng, cùng với vụ án xảy ra tại Trường tiểu học Trương Công Xưởng là 121 chứng từ với tổng số tiền là 593.662.500 đồng, tổng cộng là 968.948.500 đồng.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo Hà Thị Phương Thảo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Mai Đức Thiện đã coi thường pháp luật, là đồng phạm tích cực trong vụ án làm thất thoát số tiền lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng đồng thời gây ra dư luận xấu trong xã hội.

Hành vi của kế toán kiểm soát chi Phạm Thị Hồng Nhung đã vi phạm vào điểm 3 Điều 21 Thông tư số 08 ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính quy định. Bị cáo Nhung chưa có tiền án, tiền sự, gia đình có công với cách mạng, thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn, hối cải… đây được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Do đó, hội đồng xét xử đã tuyên phạt 2 bị cáo Hà Thị Phương Thảo mức án 8 năm tù được quy định tại Điều 278, điểm a khoản 3 Bộ luật Hình sự; Mai Đức Thiện 2 năm tù quy định tại Điều 278 khoản 1 Bộ luật Hình sự với tội danh “Tham ô tài sản”; bị cáo Phạm Thị Hồng Nhung 3 năm tù cho hưởng án treo với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Hà Thị Phương Thảo, Mai Đức Thiện phải bồi thường liên đới 155.686.000 đồng./.

 

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết