Tiếng Việt | English

28/01/2021 - 09:47

Lao động Việt Nam giữ gìn Tết Việt nơi xứ người

Mỗi khi Tết Cổ truyền của dân tộc sắp đến, người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lại đau đáu hướng về gia đình, quê hương. Và để an ủi nhau, đồng thời đón cái Tết Cổ truyền trọn vẹn, họ chung tay tổ chức nhiều hoạt động mang đậm đà phong tục, tập quán của Tết Việt.

Bữa cơm tất niên của các lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài

Bữa cơm tất niên của các lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài

Thông thường, trời thành phố Tokyo (Nhật Bản) những ngày gần tết rất lạnh. Những năm trước, Tết Cổ truyền của dân tộc, người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài được đón tết không khác gì Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người lao động Việt Nam không được xuống phố vui chơi, đón tết. Song, trong căn phòng trọ của bạn Phạm Quốc Dũng (quê xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa), nhiều bạn trẻ vẫn chuẩn bị đón Tết Cổ truyền của dân tộc. Ở đó, người trang trí mâm ngũ quả, người cắm hoa, người chuẩn bị bữa cơm tất niên. Không khí vui vẻ, ấm áp làm ai cũng quên đi những vất vả để chuẩn bị đón chào một năm mới bình yên và hạnh phúc.

Còn năm nay, người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài nói riêng, cộng đồng người Việt nói chung đã lên kế hoạch tổ chức Tết Cổ truyền của dân tộc đầm ấm, vui vẻ nơi xứ người. Bạn Phạm Quốc Dũng cho biết: “Trong công ty tôi có hơn 10 bạn là người Việt Nam. Theo đó, cứ đến lễ, tết, không ai bảo ai, các bạn đều tụ họp lại phòng tôi nấu ăn, trang trí nhà cửa. Riêng Tết năm nay, chúng tôi đã tranh thủ làm các loại hoa mai, hoa đào và viết các câu thư pháp để trang trí trong phòng; đồng thời, gần tết, nhờ người thân ở Việt Nam gửi bánh tét qua và chuẩn bị nồi thịt kho tàu cho đêm giao thừa. Không biết phong tục, tập quán đón tết của người lao động Việt Nam đang làm việc ở đây có tự bao giờ, chỉ biết khi tôi qua đây đã được các anh chị đi trước tổ chức, thế hệ này cứ truyền cho thế hệ sau. Riêng tôi, đây là năm thứ 3 đón tết xa quê và cũng là lần cuối đón tết cùng các bạn. Bởi qua Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi hết hợp đồng và trở về Việt Nam làm việc”.

Được biết, năm 2018, bạn Phạm Quốc Dũng vừa tốt nghiệp ngành cơ khí thì mạnh dạn đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài, với mong muốn được trải nghiệm, học tập và trở về góp sức xây dựng quê hương. Nhờ vạch ra con đường tương lai rõ ràng, sau 3 năm, Dũng không chỉ dành dụm được một khoản tiền mà còn học được các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất của nước bạn. Dự định sau khi về nước, Dũng sẽ xin việc ở một công ty Nhật Bản gần nhà để có điều kiện chăm sóc gia đình.

Còn đối với bạn Cao Nhật Hào (quê xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa), tết là thời điểm buồn, nhớ nhà đến rơi nước mắt, quanh quẩn đâu đâu cũng thấy bóng dáng quê hương. Vì thế, Nhật Hào cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mình đang sống. Nhật Hào trải lòng: “Năm đầu tiên sang Nhật làm việc, thời tiết lạnh có lúc đến 00C càng làm cho tâm trạng tôi thêm ngổn ngang, nhất là dịp Tết Cổ truyền của dân tộc. Lúc đó, tôi chỉ ước có thể về bên gia đình ăn bữa cơm tất niên. Hiểu được tâm trạng này, các bạn lao động người Việt tạo điều kiện cho tôi cùng đón tết bên cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Mặc dù không có các món ăn truyền thống của Tết Việt nhưng tôi cảm nhận được sự chân thành của các bạn Việt dành cho nhau. Riêng Tết Tân Sửu 2021, tôi chủ động lên kế hoạch đón Tết Cổ truyền của dân tộc cùng bạn bè nơi xứ người như chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên, đếm ngược thời gian đón giao thừa,...”.

Tuy không được sum vầy, đón tết cùng gia đình nhưng trong trái tim những người con xa xứ luôn hướng về gia đình, quê hương bằng tất cả tình yêu thương. Song, vì cuộc sống mưu sinh và muốn đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, họ tạm gác lại nỗi niềm riêng, cố gắng động viên nhau đón tết vui vẻ, an lành, nỗ lực trong công việc và cuộc sống để chờ đợi ngày đoàn viên./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩuCách tìm việc chất lượng tại VietnamWorks