Sau hơn 4 năm chia tách từ huyện Mộc Hóa cũ, đời sống người dân Mộc Hóa có những bước chuyển mạnh mẽ dù còn nhiều khó khăn. Đến nay, 4/7 xã trên địa bàn huyện đạt danh hiệu xã văn hóa, bình quân mỗi xã đạt 11/19 tiêu chí NTM.
Nhờ dân vận khéo, nông dân tích cực tham gia xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao
Tất cả là nhờ dân vận khéo
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận trong XDNTM, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tập trung tuyên truyền, vận động, giúp người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình; đồng thời triển khai nhiều chương trình, mô hình ý nghĩa, vận động nhân dân cùng tham gia bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Năm 2017, huyện chọn xã Bình Phong Thạnh làm điểm để tổ chức mô hình “Tuyến đường giao thông an toàn; nhà xanh, sạch, đẹp” tại ấp 1 và ấp 3 do MTTQ và Hội Nông dân xã đăng ký thực hiện. Các địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì 62 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực: Hiến đất làm đường, nạo vét kênh, mương; thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tổ liên kết, hợp tác trong nhân giống lúa, bơm điện, cánh đồng lớn; góp vốn xoay vòng, giải quyết việc làm; tiếp sức học sinh đến trường; hũ gạo tình thương;...
Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Nguyễn Văn Minh, một trong những kinh nghiệm từ quá trình XDNTM trên địa bàn huyện thời gian qua là ở đâu làm tốt công tác dân vận thì ở đó, phong trào phát triển mạnh, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Để thấy rõ hơn những điều ông Minh nói, chúng tôi đến xã Bình Hòa Tây, 1 trong 2 tập thể được khen thưởng về công tác dân vận năm 2017 của huyện.
Được biết, vụ Hè Thu vừa qua, để bảo vệ lúa không bị thiệt hại do lũ về sớm, xã huy động 2 kobe đắp đê với chiều dài 3,7km, thành lập 8 tổ bơm nước với 51 máy, kinh phí thực hiện do người dân đóng góp hơn 190 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, xã vận động nhân dân trên 4,7 tỉ đồng và hiến trên 600.000m3 đất để xây dựng các công trình: Nạo vét kênh Ba Xã kết hợp sửa chữa bờ đê; nạo vét, trải đá kênh Đoàn 2; sửa chữa bờ Nam kênh Dòn Dong; nạo vét kênh N1, kết hợp san sửa bờ kênh; đường cặp kênh Cây Khô Nhỏ;...
Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể còn vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nông dân thấy được sự cần thiết phải liên kết sản xuất và lợi ích khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, có 22/22 hộ hội viên nông dân trong vùng quy hoạch đăng ký với tổng diện tích 63,2ha” - Phó Bí thư Đảng ủy Bình Hòa Tây - Hoàng Thị Thùy Như thông tin.
Đường kênh Đòn Dong kết hợp đê bao xã Bình Hòa Tây tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại và sản xuất
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Đổi thay dễ nhận thấy nhất ở Mộc Hóa thời gian qua là rất nhiều cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống đê bao, các công trình phúc lợi xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng. “Dù cuộc sống của một bộ phận người dân còn nhiều vất vả do thu nhập bấp bênh từ sản xuất nông nghiệp nhưng qua tuyên truyền, vận động, họ hiểu được XDNTM là để phục vụ chính mình nên rất nhiệt tình tham gia” - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2, xã Bình Hòa Đông - Đoàn Thị Sầu Riêng chia sẻ.
Không chỉ hiến đất, góp tiền để xây dựng các công trình, người dân còn tham gia XDNTM bằng cách đóng góp ngày công lao động. Với sự góp sức của nhân dân, hệ thống đê bao lửng, đê bao kép kín tiếp tục được nâng cấp; những con đường trải đá đỏ, đá xanh dần thay thế những con đường đất nhỏ, hẹp, lầy lội; trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng được xây mới rộng rãi, khang trang;... Những công trình mới này không chỉ điểm tô thêm gam màu tươi mới vào bức tranh nông thôn Mộc Hóa hôm nay mà còn cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Từ khi cầu giao thông nông thôn ấp 1, xã Bình Hòa Đông được xây dựng, nông dân ra đồng có thể đi bằng xe máy, học sinh đến trường cũng thuận tiện hơn
Ông Nguyễn Tấn Bên (SN 1970), ngụ ấp 2, xã Bình Hòa Đông, bộc bạch: “Trước đây, con đường mà chúng ta đang đứng chỉ là đường đất, rất nhỏ, xe máy không vào được. Người dân đi lại hay vận chuyển hàng hóa đều phải dùng ghe, xuồng. Giờ đây, con đường được mở rộng, cầu được xây mới, người dân phấn khởi lắm! Nông dân ra đồng có thể đi xe máy, học sinh đến trường cũng thuận tiện hơn”. Không chỉ ông Bên mà người dân Bình Hòa Đông nói riêng và người dân Mộc Hóa nói chung đều vui mừng khi những tuyến đường được mở rộng, nối liền ấp với ấp, xã với xã, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
“Ngay từ những ngày đầu, huyện xác định, muốn xây dựng thành công xã NTM phải dựa vào dân, vì người dân mới là chủ thể. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân trước khi xây dựng các công trình. Trong quá trình thực hiện, địa phương luôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thông qua phong trào, trong năm 2017, trên địa bàn huyện có 39 công trình xây dựng cơ bản được triển khai thực hiện (trong đó, nhân dân đóng góp 15,3 tỉ đồng)” - ông Nguyễn Văn Minh cho biết.
Qua thời gian thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với chương trình XDNTM, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là nền tảng quan trọng để huyện phấn đấu hoàn thành chương trình XDNTM trong thời gian tới.
Khi ý Đảng, lòng dân là một thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, công trình nào cũng có thể hoàn thành. Điều này được khẳng định bằng những đổi thay từ chương trình XDNTM ở Mộc Hóa thời gian qua./.
Hồng Anh