Tiếng Việt | English

20/02/2024 - 09:18

Lễ hội Nghinh Ông tại nơi không giáp biển

Tiếng trống lân dồn dập vang lên từ phía đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thu hút người dân trong vùng. Mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 là lần đầu tiên sau gần 50 năm gián đoạn, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức lại tại đình.

Bàn hương án được rước từ đình xuống phà Lân phụng cúng suốt quãng đường Nghinh Ông

Bàn hương án được rước từ đình xuống phà Lân phụng cúng suốt quãng đường Nghinh Ông

Đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới là ngôi đình hiếm hoi tại Long An có thờ bộ xương cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông cũng từng được tổ chức hàng năm tại đình trước đây. Tuy nhiên, do đời sống đổi thay nên gần 50 năm trở lại đây, việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn cho đến đầu năm nay.

Trưởng ban Quản lý đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới - Lê Ngọc Đáng cho biết, để tổ chức lễ hội vào mùng 10 tháng Giêng, ban quản lý đình đã bắt tay vào chuẩn bị từ sau tết. “Chúng tôi quyết định tổ chức lại lễ hội vì đình vừa được xây dựng lại năm 2023, thêm nữa, năm nay là năm Giáp Thìn, gợi nhớ đến câu chuyện “Năm Thìn bão lụt” nên chúng tôi tổ chức lại Lễ hội Nghinh Ông cầu mưa thuận, gió hòa, bình an trong năm mới, vừa khôi phục và gìn giữ truyền thống mà cha ông để lại” - ông Lê Ngọc Đáng nói.

Trưởng ban quản lý đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới - Lê Ngọc Đáng đọc lời văn khấn

Trưởng ban quản lý đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới - Lê Ngọc Đáng đọc lời văn khấn

Khi con nước dưới sông Trà dần dâng cao, chiếc phà Nghinh Ông cũng từ từ cập bến. Theo tiếng trống lân dập dồn, bàn hương án được đưa xuống phà, theo đoàn còn có các thành viên ban quản lý đình, chính quyền địa phương và một số người dân. Vài chiếc ghe đánh bắt cũng cặp theo phà ra giữa dòng Nghinh Ông.

Chiếc phà có bàn hương án, trang trí cờ đuôi nheo từ từ đi dọc sông Trà, hướng ra phía ngã ba sông lớn, nơi giao nhau với dòng sông Vàm Cỏ. Đến ngã ba, phà dừng lại, giữa bốn bề sông nước, ông Huỳnh Văn Út đại diện các bậc cao niên thắp 3 nén hương thành kính. Nghi thức Nghinh Ông chính thức bắt đầu. Những ước mong mưa thuận, gió hòa, người đi biển, đi sông gặp nhiều may mắn được gửi gắm vào từng lời khấn vái.

Xong nghi thức Nghinh Ông, phà di chuyển trở về sông Trà, dọc theo các đoạn sông nhỏ khác hướng về phía tỉnh Tiền Giang trước khi quay lại đình. Được biết, câu chuyện cá Ông được đưa về thờ tại đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới cho đến ngày nay vẫn còn chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng, xác cá Ông được ngư dân tìm được ở ngã ba sông và lai dắt về đình nhưng cũng có ý kiến cho rằng Ông vào tận nhánh sông nhỏ phía tỉnh Tiền Giang.

Khi đoàn Nghinh Ông trở về đình, người dân đến cúng viếng đông dần. Neo chặt ghe vào bờ, ông Hồ Thành Long vào đình thắp nhang khấn nguyện, mong những chuyến đi sông trong năm mới thuận lợi, bội thu. Ông Long bén duyên với nghề đi đánh bắt cá trên sông đã hơn 20 năm. Là người đi sông, đi biển trong vùng, ai nấy đều tin tưởng và dành lòng thành kính đối với đình Thần - Lăng Ông Vĩnh Thới. Biết năm nay Lễ hội Nghinh Ông được khôi phục lại, sau tết, ông Long nán lại thêm mấy ngày, dự lễ Nghinh Ông trước khi hạ thủy bắt đầu mùa đánh bắt mới.

“Cũng theo nghề sông nước nên khi có đoàn cúng Ông, tôi đưa ghe theo để cúng, có chút lòng thành để mong năm mới nhiều thuận lợi. Dân vùng này đi sông, đi biển cũng nhiều, khôi phục lễ hội này tôi nghĩ bà con sẽ rất vui lòng” - ông Long chia sẻ.

Người dân đến dự lễ hội Nghinh Ông, cầu năm mới mưa thuận, gió hòa, đi sông, đi biển bình an

Người dân đến dự lễ hội Nghinh Ông, cầu năm mới mưa thuận, gió hòa, đi sông, đi biển bình an

Thông tin từ UBND xã Thanh Vĩnh Đông, toàn xã có 91 hộ dân theo nghề đánh bắt thủy, hải sản trên sông và biển. Trong đó, có hơn 20 hộ đi ghe biển, còn lại chủ yếu đánh bắt tại các nhánh sông lớn quanh vùng. Đó cũng là lý do khiến người dân trong vùng thờ Thần Biển và trân trọng bộ xương cá Ông đang được phối thờ.

Sau gần 50 năm gián đoạn, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức thành công, đánh dấu sự đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống, tinh thần tốt đẹp của dân tộc.

Rồi từ đây, vào dịp mùng 10 tháng Giêng hàng năm, tiếng trống lân sẽ lại vang lên giòn giã và đoàn Nghinh Ông sẽ lại cờ phướn ra khơi mang theo hy vọng, ước mong năm mới. Lễ hội Nghinh Ông tại một địa phương không giáp biển chính thức được khôi phục từ nay!

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết