Các thành viên bộ lạc Warao - nhóm người thiểu số lớn thứ hai của Venezuela, tại trại tị nạn ở Pacaraima, bang Roraima, Brazil gần biên giới với Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 22/02, Liên hợp quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu cứu trợ nhân đạo mà những người tị nạn Venezuela đang phải đối mặt, khi số người tị nạn và người di cư từ Venezuela sang các nước trong khu vực tiếp tục tăng và chạm mốc 3,4 triệu người trong tháng này.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) đưa ra tuyên bố dựa trên dữ liệu từ cơ quan nhập cư các nước và các nguồn khác cho thấy, trong năm 2018, trung bình có 5.000 người rời khỏi Venezuela mỗi ngày. Phần lớn trong số 2,7 triệu người tị nạn Venezuela đang tạm trú ở các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.
Hiện Colombia có số lượng người tị nạn và người di cư Venezuela nhiều nhất, với hơn 1,1 triệu người. Tiếp theo là Peru với 506.000 người, Chile với 288.000 người, Ecuador 221.000 người, Argentina 130.000 người và Brazil 96.000 người. Mexico và các quốc gia khác ở Trung Mỹ và Caribe cũng đang tiếp nhận một số lượng đáng kể người tị nạn và người di cư từ Venezuela.
Ông Eduardo Stein - Đại diện đặc biệt của UNHCR-IOM về người tị nạn và người di cư Venezuela, đánh giá “các quốc gia trong khu vực đã thể hiện tình đoàn kết to lớn với người tị nạn, người di cư từ Venezuela và thực hiện các giải pháp nhanh chóng để giúp đỡ họ. Tuy nhiên, với số người tị nạn lớn sẽ làm gia tăng sự căng thẳng đối với các cộng đồng dân cư nước sở tại và nhu cầu cần tiếp tục nhận được hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang chú ý đến những diễn biến chính trị ở Venezuela."
Các thành viên bộ lạc Warao - nhóm người thiểu số lớn thứ hai của Venezuela, tại trại tị nạn ở Pacaraima, bang Roraima, Brazil gần biên giới với Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đến nay, các nước Mỹ Latinh đã cấp khoảng 1,3 triệu giấy phép cư trú và các hình thức cư trú thường xuyên khác cho người Venezuela. Các hệ thống giải quyết đơn xin tị nạn cũng đã được củng cố để đáp ứng với tình hình hiện nay. Kể từ năm 2014, hơn 390.000 người Venezuela nộp đơn xin tị nạn, chỉ riêng năm 2018 đã có khoảng 232.000 người.
Khi số lượng người tị nạn gia tăng sẽ kéo theo nhu cầu hỗ trợ nhân đạo không chỉ cho người tị nạn, người di cư mà còn cả cộng đồng dân cư nước tiếp nhận. Chính phủ các nước trong khu vực đang thể hiện trách nhiệm đi đầu và nỗ lực phối hợp hành động trên cơ sở Tuyên bố Quito, được thông qua vào tháng 9/2018. Đây là một bước tiến quan trọng đối với cách tiếp cận mang tính khu vực để tăng cường hỗ trợ, bảo vệ người tị nạn Venezuela, tạo điều kiện pháp lý và kể cả cho họ có cơ hội hòa nhập vào đời sống kinh tế, xã hội.
Cuộc gặp tiếp theo của chính phủ các nước trong khu vực nhằm tiếp tục tiến trình này sẽ diễn ra tại thủ đô Quito của Ecuador trong tuần đầu tiên của tháng 4/2019.
Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Liên hợp quốc vô cùng quan ngại về khả năng sự viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho Venezuela bị chính trị hóa, đồng thời kêu gọi các bên tránh sử dụng vũ lực.
Phát biểu trong một buổi họp báo, ông Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên tránh mọi hành động bạo lực. Ông Guterres đã bám sát và ngày càng lo ngại trước tình hình tại Venezuela. Ông Dujarric cho rằng mọi hành động cứu trợ nhân đạo đều không nên bao gồm các động cơ chính trị hoặc quân sự.
Người phát ngôn Liên hợp quốc cũng cho biết, Tổng Thư ký Guterres có kế hoạch gặp Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza trong ngày 22/2.
Trong khi đó, chính quyền Brazil đã bắt đầu chuyển hàng viện trợ tới biên giới phía Bắc với Venezuela bất chấp việc cửa khẩu quốc tế giữa hai nước bị đóng trước đó một ngày. Không quân Brazil đã điều một máy bay chở lương thực và thuốc men tới thành phố Boa Vista thuộc bang Roraima. Sau đó, chính quyền sẽ chở số hàng trên bằng xe tải tới thành phố Pacaraima, giáp biên với Venezuela.
Hiện nay hàng viện trợ nhân đạo do Mỹ cung cấp theo yêu cầu của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido vẫn đang được tập trung tại các trung tâm tiếp nhận ở Colombia, Brazil và Curazao. Ông Guaido khẳng định, số hàng viện trợ này sẽ được đưa vào lãnh thổ Venezuela bằng mọi giá trong ngày 23/02 và có thể là bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không.
Tổng thống Maduro khẳng định đây là một “màn kịch” nhằm can thiệp vào Venezuela và thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến. Nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela nhấn mạnh nhân dân nước này luôn mong muốn được sống trong hòa bình và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ điều đó./.
Theo TTXVN