Công viên tượng đài Long An là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
1. Nằm ngay cửa ngõ vào TP.Tân An, Công viên tượng đài không còn xa lạ với nhiều người. Đó được xem là biểu tượng của Long An để mỗi khi đi ngang, những người con quê hương anh hùng lại không khỏi tự hào. Điều đặc biệt, dưới chân tượng đài là một bảo tàng sống động, độc đáo về những chiến công của dân và quân ta. Qua lời giới thiệu của thuyết minh viên, nhiều đoàn khách đến đây xúc động với truyền thống anh hùng, sự hy sinh cao cả của dân và quân Long An, góp phần giành lại độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cảm giác lành lạnh khi bước vào hầm trưng bày (nằm dưới lòng đất) nhanh chóng mất đi, thay vào đó là cảm nhận rất thật về Long An của một thời kỳ đầy máu lửa. Không gian đêm tối mênh mông, tiếng côn trùng nỉ non, tiếng đạn bom, trực thăng pháo kích; hình ảnh dòng sông, tiếng sóng vỗ, rặng dừa nước, những cây tràm với tổ chim, ổ kiến vàng,... thật đến không ngờ. Chính vì sự tái hiện quá chân thật ấy nên nhìn những chiến sĩ thương tích đầy người, máu loang nước sông, những chiếc cầu người để cứu thương kịp thời cho đồng đội,... khiến ai cũng bồi hồi.
Hộp hình làng quê Long An xưa
Bước vào không gian tối om của hộp hình đầu tiên, sau mấy phút định thần cho quen mắt, khách tham quan sẽ bắt gặp hình ảnh sinh động của chiếc xuồng ba lá ẩn mình dưới những rặng dừa nước chở bộ đội qua sông. Đâu đó là tiếng rì rầm của mái chèo, tiếng thở rất khẽ của dòng sông Vàm Cỏ, của đoàn người và âm thanh lấn át bởi tiếng máy bay địch trinh sát. Kế bên là hộp hình sáng rõ cảnh đồn Đức Lập và chiến công của quân ta 3 lần diệt đồn Đức Lập năm 1965. Một phần những chiến công xưa được tái hiện thông qua mô hình thu nhỏ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng giúp người xem có thể hình dung được chiến công hiển hách của cha ông.
Hộp hình làng chiến đấu
Sang hộp hình thứ 3, khách tham quan được chứng kiến hình ảnh công binh xưởng sản xuất vũ khí. Hộp hình tái hiện bếp lò đỏ rực nấu kim loại ẩn trong rừng tràm. Cùng với đó là hình ảnh những người lính lưng trần, mồ hôi nhễ nhại, khom người nấu mẻ kim loại. Họ thực hiện đầy đủ các thao tác để chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến. Từ phía bên trái nhìn vào là một khu thí nghiệm với nhiều chai, lọ, ống nghiệm, hiện chính giữa lên hộp hình ấy là tấm băng rôn với khẩu hiệu đỏ được viết bằng dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Những du khách khi đến đây đều ngạc nhiên thốt lên “thật hơn cả sự thật!”.
Hộp hình tái hiện công binh chế tạo vũ khí bên trong Công viên tượng đài Long An
2. Từng đến, từng nghe, từng chứng kiến nhiều hình ảnh chân thực dưới chân tượng đài, chúng tôi xúc động và ấn tượng bởi hình ảnh dân công hỏa tuyến Long An bắc “cầu người” để chuyển thương binh. Đây là một hình tượng độc đáo, minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong 8 chuyên đề ứng với 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", khách tham quan cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy “đám lá tối trời” được tái hiện tại đây. Chúng tôi biết đến “đám lá tối trời” từng đi vào lịch sử của Long An trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1945, “đám lá tối trời” (thuộc địa phận xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) được chọn làm căn cứ cách mạng vì đặc điểm địa hình có thể che mắt địch với những rặng dừa nước mọc um tùm đến “tối trời”. Trong trận càn chống Mỹ năm 1966, căn cứ “đám lá tối trời” vẫn đứng vững, các cơ sở bên trong vẫn được bảo vệ an toàn. Sau trận càn năm 1966, bọn địch hết sức kinh hoàng khi nhắc đến tên gọi “đám lá tối trời” và từ đó cũng không dám mở đợt càn quét nào vào đây nữa.
Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" được xây dựng ở ngay cửa ngõ vào TP.Tân An
Công viên tượng đài gắn với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng cho Long An vào năm 1967 cũng đại diện cho truyền thống lịch sử vẻ vang, khí tiết, cốt cách sáng ngời của những người con Long An năm xưa. Và sự tri ân, tôn vinh của hôm nay khi xây dựng một công trình bề thế cũng nhằm noi gương cha ông viết tiếp những trang sử vàng ấy! Công trình là sự hội tụ của nhiều nhóm tượng đài. Ở nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ, từ nét điêu khắc thể hiện tính bi hùng nhắc nhở mọi người sống trong hòa bình, no ấm đừng quên công ơn của những người đã nằm xuống. Ở quần thể tượng kề bên được kết thành dáng rồng thiêng đang vươn mình bay lên như ý chí quật cường của Long An. Bệ rồng phía dưới là biểu tượng con thuyền cách mạng với khí tiết “trung dũng kiên cường” mà Đảng là người cầm lái đưa nhân dân và chiến sĩ Long An đến bến bờ chiến thắng. Khắc sâu vào bệ đá là biểu tượng tinh thần đoàn kết với hình tượng quân và dân, những đại diện cho 4 chữ vàng còn lại của Long An - “toàn dân đánh giặc”.
Đứng dưới chân tượng đài mà nghiệm ra một điều thiêng liêng: Có một yếu tố thật quan trọng, thật cần thiết làm nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước mà không thể quên được, đó là truyền thống Uống nước nhớ nguồn và lòng tự hào dân tộc! Đất nước ta đã có truyền thống lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước và đấu tranh với biết bao kẻ thù, đã đổ xuống đất mẹ biết bao máu xương cho nên khi xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh như hôm nay, chúng ta càng phải khắc cốt ghi tâm công lao của những người đã nằm xuống. Nhắc về quá khứ cũng là để giáo dục cho thế hệ tương lai biết nhớ cội, thương nguồn. Và Công viên tượng đài đã được dựng xây trên nền tảng của điều thiêng liêng đó!./.
Song Nhi