Tiếng Việt | English

16/12/2015 - 09:12

Tản văn:

Lớn lên bằng tình yêu của mẹ

Với mẹ, con vẫn là một đứa trẻ cần chở che, bao bọc. Nước mắt con ướt đẫm khi một mình trong căn trọ cũ kỹ và nghĩ về mẹ.

Hình ảnh mẹ mỗi lần tiễn con nơi bến tàu con không bao giờ quên được. Dáng mẹ vẹo xiêu, bận chiếc áo màu tím hoa cà mua đã lâu, chân lê đôi dép mòn vẹt. Mẹ tranh phần cầm ba lô giúp con, chân thoăn thoắt vừa đi vừa dặn dò. Trong ba lô chất chứa muôn vàn thứ mà mẹ đã cất công chuẩn bị trước đó cả tuần: Thuốc men, hũ ruốc, đậu, gạo, đến cả từng chiếc bàn chải đánh răng, tấm khăn mặt... Và hơn hết đó là cả tình thương không thể cân đo đong đếm mà mẹ dành cho con.

Mỗi lần nhớ nhà con lại muốn về bên mẹ. Con nhớ tới những tháng ngày vô tâm, giận hờn mẹ vô cớ. Đó là những ngày chủ nhật mẹ đánh thức con dậy như ngày bình thường không cho con ngủ nướng, là những buổi tối đi chơi bạn bè quên cả giờ giấc về bị mẹ la mắng. Con ấm ức cho rằng mẹ không tâm lý, luôn ép chúng con vào khuôn khổ đã định sẵn, cổ hủ. Và thậm chí những lúc đó con còn có suy nghĩ dại dột rằng, mẹ không yêu thương con.

Cuộc sống tự lập nơi phố thị con luôn cảm thấy lúng túng. Thiếu vắng bàn tay của mẹ, làm việc gì cũng không nên. Con chẳng thể luộc được một đĩa rau muống sao cho vừa xanh vừa giòn giống như mẹ. Đĩa rau con luộc lẫn lộn cọng màu vàng ố, cọng mềm nhũn và cọng thâm đen chưa chín. Chiên trứng (tráng trứng), công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng con cũng không biết làm. Con đành ra quán cơm bình dân ăn tạm. Những lúc như thế mới biết công việc vào bếp không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cho tất cả mọi người như mẹ từng nói.

Nhớ ngày còn nhỏ, con là đứa trẻ nghịch ngợm luôn làm mẹ phiền lòng. Chưa bao giờ con nghe lời mẹ lấy một câu. Đến lớp thì không chịu học hành mà chơi bời, nghịch ngộ. Đi họp phụ huynh, con người ta thì được cô giáo nhắc đến thành tích này, thành tích nọ. Còn con của mẹ cô giáo nhắc tên vì ngỗ nghịch, học kém. Con biết mẹ khá tức giận nhưng mẹ không hề đánh con một roi nào. Mẹ dạy con bằng những lời lẽ, phân tích đúng sai chứ không bao giờ "thương cho roi, cho vọt".

Chẳng bao lâu, cuộc sống thành thị cuốn lấy con. Con học đòi bạn bè ăn chơi lêu lổng, không màng đến học hành. Con dường như vô cảm khi nhận được đồng tiền của mẹ gửi ra. Con bao biện cho lý do xin tiền nhiều là để phục vụ học thêm tiếng anh, tin học. Với nhà mình, con trâu là tài sản lớn nhất vậy mà mẹ cũng phải bán đi để lấy tiền mua máy tính cho con. Con sử dụng máy tính vào việc học thì ít mà chủ yếu là để chơi game. Kết thúc năm học đầu tiên, ngay chính cả con cũng không tin nổi vào kết quả của mình khi chính thức bị lưu ban. Chẳng còn cách nào khác con đành thú nhận với mẹ. Lần đầu tiên con thấy mẹ không nói câu gì. Con thấy người mẹ gầy sọp, tóc đã hơn nửa là màu trắng, hốc mắt có nhiều vết quầng thâm.

Mẹ giúp con làm lại từ đầu. Mẹ chấp nhận bỏ việc nhà lên thành phố chăm lo con hai tháng, giúp con qua khỏi cái ngày gian khó. Vì tình yêu của mẹ con đã làm được điều tưởng chừng như không bao giờ lấy lại được. Con trở lại với học hành, chuyên tâm tu dưỡng đạo đức.

Mấy hôm nay trong giấc mơ con luôn mơ thấy mẹ. Trong giấc mơ con thấy mẹ từ bỏ con mà đi. Tỉnh dậy, con hoang mang. Con thấy sợ thật sự. Mẹ ơi, con ngàn lần xin lỗi mẹ. Tận sâu thẳm lòng mình, bao giờ con cũng biết: "Trên đời này, nếu có một tình yêu thật sự, thì đó là tình yêu của mẹ!" Con nhớ đến câu nói mà con đã đọc được: “Đường kim từ tay mẹ, thành áo trên người con”. Tình yêu của mẹ dường như đều xuất phát từ những việc nhỏ nhặt như đường kim mũi chỉ ấy. Bất kể chúng con đang ở nơi nào, núi cao hay vực thẳm, chân trời góc bể nào, thì tình yêu ấy vẫn luôn chắp cánh cho những ước mơ của chúng con bay cao và bay xa hơn nữa./.

Cao Văn Quyền

Chia sẻ bài viết