Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 15:51

Long An: Cháo lươn môn nước Đồng Tháp Mười

Gọi môn nước bởi loại này sống chịu nước, còn gọi là môn ngứa, có tên khoa học là Zantedeschia, là một loại khoai môn hoang dại, mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Để phân biệt với loại môn thường (môn ngọt) trên đầu lá môn có nút màu nâu, trên đầu lá môn ngứa có nút màu trắng. Đúng như tên gọi của nó, toàn thân đều có một thứ nhựa, chẳng những ăn không được mà còn ngứa, ai không biết nấu, ăn ngứa xé miệng, không có thuốc trị, nếu lỡ lội vào nơi đầm lầy có nhiều môn ngứa người đó kể như xui xẻo, ngứa gãi tróc da.

Song, khối óc thông minh của những người đến chinh phục vùng đất này đã tìm ra cách khắc chế chất gây ngứa của môn, chế biến ra một số món ăn như dưa môn, cháo môn…

Dưa môn nhiều người đã từng thưởng thức, nhưng riêng cháo môn thì không phải ai cũng được một lần được nếm qua, đặc biệt là nấu với lươn. Vấn đề ở đây là chế biến thế nào cho đúng cách. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm người ăn ngứa rát cổ họng cả ngày.

Làm sạch lươn

Đầu tiên, chuẩn bị sẵn hai nguyên liệu chính là lươn và môn, ngoài ra còn có khoai mì để cháo nhừ và lềnh. Lươn làm sạch, mổ ruột, rửa bằng giấm, để ráo nước, để nguyên con hoặc chặt thành khúc. Gia vị gồm: sả cắt khúc, ớt băm nhuyễn, nước mắm. Bẹ cây môn ngứa được rửa sạch, cắt thành từng khúc ngắn.

Cho gạo và khoai mì vào nồi

Công đoạn đầu của cách nấu cháo môn cũng giống như nấu cháo cá thông thường, là dùng gạo (rất ít) và một ít đậu xanh, nước nấu cho sôi, chờ khi gạo chín nhừ thì cho lươn vào nồi, nêm gia vị. Nếu nấu cháo cá lóc thì đến đây xem như đã xong, có thể dùng được, nhưng với cháo môn thì đó mới chỉ là giai đoạn đầu.

Môn xắt khúc cho vào cháo

Khi lươn vừa chín, phải giữ nguyên nồi cháo trên bếp lửa rồi từ từ cho môn vào. Bí quyết để khử chất gây ngứa của môn nước là không được tắt lửa trong suốt quá trình nấu cháo và phải liên tục trộn đều cho đến khi những cọng môn nhừ thì món này mới xem như hoàn tất.

Nêm gia vị

Vớt lươn ra đĩa, ăn với cháo, tùy khẩu vị, cháo có thể gia giảm thêm bằng mắm đồng, lươn chấm với muối hay mắm đồng.
Có dịp về Đồng Tháp Mười, mời bạn hãy một lần trải nghiệm món ăn dân dã này. Không những rất ngon mà theo dân gian, còn có tác dụng giải các chất độc tích tụ trong cơ thể theo quan niệm “lấy độc trị độc”./.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết