Chim bày bán ở Thạnh Hóa
Thời gian qua, công tác quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được các ngành, địa phương quan tâm và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh (Chợ nông sản Thạnh Hóa, tuyến Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Thủ Thừa,....). Đồng thời theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tránh tiếp xúc với động vật hoang dã để giảm nguy cơ nhiễm vius corona.
Để tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời đề phòng, chống cúm H5N1 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đạt hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ động hoang dã, đặc biệt đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không săn bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt, sử dụng, cất giữ, quảng cáo, tặng, cho hay nhận quà biếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái với quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động, kịp thời thông tin đến các cơ quan báo chí khi có phản ánh về tình trạng săn bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật hoang dã trái pháp luật thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Tập trung mọi nguồn lực giám sát chặt chẽ dịch bệnh H5N1 từ cơ sở, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các ổ dịch xảy ra trên địa bàn và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Khi có gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh hoặc phát hiện đàn thủy cầm nhiễm virus cúm H5N1 phải tiêu hủy ngay đàn gia cầm và hỗ trợ kịp thời theo quy định hiện hành cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy.
Khẩn trương hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm theo kế hoạch đã phê duyệt và đàn gia cầm mới phát sinh, đặc biệt là đối với đàn thủy cầm, vùng có nguy cơ cao về dịch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ về thú y trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, nhất là tại các đô thị, nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ cao về dịch. Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng ổ dịch ra ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, cho hoặc phát tán gia cầm bị bệnh, ốm chết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, quảng cáo, kinh doanh sử dụng động vật hoang dã. Kiên quyết xử lý, tịch thu khi phát hiện sản phẩm hoặc tổ chức sơ cứu tại chỗ sau đó chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ để phục hồi và tái thả tự nhiên. Đặc biệt không thực hiện việc bán phát mãi động vật hoang dã, các sản phẩm hoặc dẫn xuất từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào.
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi động vật “sách đỏ” đăng ký mã số cơ sở nuôi, lập sổ theo dõi hoạt động nuôi đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi để quản lý.
Kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, vận chuyển lưu thông, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các địa phương hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình có mua, bán, nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm.
Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn, thống kê số lượng, nguồn gốc động vật hoang dã tại các trại nuôi, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã không có xuất xứ, nguồn gốc nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm dụng khai thác, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã trái quy định của pháp luật.
Chim nhốt trong lồng bán cho người qua đường
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép kinh doanh động vật hoang dã cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp kinh doanh động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất từ động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp. Không cấp phép kinh doanh động vật hoang dã cho các tổ chức, cá nhân khi xét thấy không đảm bảo các điều kiện về nguồn gốc động vật, chuồng trại nuôi nhốt, vệ sinh môi trường và các điều kiện khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh không tổ chức đưa khách đến tham quan các điểm khai thác, mua, bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép hoặc vào các khu bảo tồn rừng để quan sát, thu thập mẫu vật các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khi chưa được cơ quan quản lý khu bảo tồn cho phép và kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho người và động vật hoang dã; không cấp giấy phép tổ chức các hội thi biểu diễn động vật hoang dã ở địa phương, ngoại trừ các Đoàn xiếc trong và ngoài nước được phép hoạt động theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.../.
Lê Đức