Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được nhận định, sau 5 năm thực hiện NQ 33 trên địa bàn tỉnh, việc phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với hoạt động xúc tiến du lịch có chuyển biến rõ nét, tạo được những điểm nhấn ấn tượng của quê hương Long An
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được nhận định, sau 5 năm thực hiện NQ 33 trên địa bàn tỉnh, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa có sự đổi mới, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa được chú trọng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý. Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với hoạt động xúc tiến du lịch có chuyển biến rõ nét, tạo được những điểm nhấn ấn tượng của quê hương Long An.
Đại biểu dự hội nghị
Bên cạnh những mặt tích cực, trên địa bàn vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện. Trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện với nhiều cơ hội lẫn khó khăn, thách thức. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sở, ngành phải đẩy mạnh công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước về văn hóa. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống quan điểm sai trái tác động xấu đến việc xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người.
Thực hiện NQ 33, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy triển khai nghiêm túc việc học tập, nghiên cứu, phát triển và xây dựng chương trình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hóa. Nhìn chung, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức triển khai, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc và có kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của cấp ủy.
Theo đó, sau 5 năm thực hiện NQ 33, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân hưởng ứng tích cực, ngày càng phát triển trên diện rộng và đi vào chiều sâu.
Chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa, thể thao và việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã từng bước xây dựng môi trường văn hoá trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, hộ gia đình góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh từ nông thôn đến thành thị theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng con người phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di sản, giá trị văn hóa trong nhân dân được nâng lên. Từ đó, góp phần hạn chế tác động tiêu cực từ các sản phẩm văn hoá độc hại, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Các gương người tốt việc tốt, gia đình văn hoá, ấp, khu phố văn hoá, xã đạt chuẩn văn hoá, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều.
Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa bước đầu được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Các lễ hội được tổ chức chu đáo, phù hợp với phong tục, tập quán và quy định pháp luật. Việc phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với hoạt động xúc tiến du lịch chuyển biến rõ nét, bước đầu thu hút khách du lịch.
Tại hội nghị, đại biểu cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện NQ 33. Đó là chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa còn nhiều bất cập, chưa kiên quyết, kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hoạt động vui chơi, giải trí có tính chất cờ bạc, nhạc sống, karaoke./.
Mai Hương