Tiếng Việt | English

17/11/2016 - 13:52

Long An: Kết quả bước đầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đạt những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử trong tiết học ngoại khóa. Ảnh: Lê Cánh

Điểm nổi bật là hệ thống mạng lưới trường lớp tiếp tục được kiện toàn và phát triển rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi nhằm huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đến trường; tỉnh không còn xã trắng về giáo dục mầm non (GDMN), loại hình trường mầm non, tiểu học ngoài công lập cũng dần hình thành và phát triển; hầu hết các xã hoặc liên xã đều có trường THCS; mạng lưới trường THPT tiếp tục được mở rộng ở nhiều huyện; trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, vươn lên dẫn đầu 12 tỉnh miền Tây Nam bộ về thực hiện trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trong độ tuổi tăng hàng năm; công tác phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 1 trở lên; 100% đơn vị cấp huyện đạt PCGD THCS mức độ 1 và có 6 huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2;72,91% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học; tháng 6-2016, Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Long An đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 37-CT/TU (khóa IX) của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Cùng với kết quả trên, tỉnh duy trì nhiều giải pháp đồng bộ trong đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Long An giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong đổi mới công tác quản lý giáo dục; Đề án xây dựng trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao giai đoạn 2016-2020; bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngày 21/10/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 4289/QĐ-UBND phê duyệt lộ trình đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã và các hội, đoàn thể cùng tham gia quản lý. Qua đó, hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đi vào nền nếp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 37-CT/TU (khóa IX) của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Đồng thời, xây dựng Đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho ngành giáo dục; phấn đấu đến năm 2020: Trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; 100% đơn vị cấp xã đạt PCGD tiểu học mức độ 2, trong đó có 50% đạt PCGD tiểu học mức độ 3; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học; xây dựng 2 trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao. Sinh viên cao đẳng, đại học đạt 200 sinh viên/1 vạn dân.

Chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp ở các vùng nông thôn, vùng xa, biên giới, đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ GD&ĐT. Tăng cường xã hội hóa trên lĩnh vực GD&ĐT. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho sinh viên, học sinh.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phát triển, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS và THPT, bảo đảm đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển các ngành KT-XH của tỉnh; đổi mới công tác dạy nghề, đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Phát triển đồng bộ thị trường lao động, tạo nhiều việc làm; thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế của tỉnh, đào tạo phải gắn liền với giải quyết việc làm sau đào tạo; đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp thực tế, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế.

Với quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, tin tưởng rằng, nền giáo dục của Long An ngày càng đổi mới, phát triển, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng lao động; đáp ứng kỳ vọng, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung./.

UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng

Chia sẻ bài viết