Tiếng Việt | English

22/11/2018 - 15:46

Long An: Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ước vượt mốc 5 tỉ USD

Thông tin từ lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 5,1 tỉ đôla Mỹ (USD), tăng 15% so cùng kỳ năm 2017 (tăng 19,4%). Đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 5 tỉ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh: Gạo (ước đạt 580.000 tấn, giá trị 291 triệu USD, giảm 11% về lượng và 4% về giá trị); hạt điều (ước đạt 110 triệu USD, giảm 46%); thủy sản (ước đạt 185 triệu USD, giảm 7%); giày dép (ước đạt 730 triệu USD, tăng 16%); bình ắc-quy, sắt thép, cơ khí (ước đạt 750 triệu USD, tăng 17%), dệt may (ước đạt 1,2 tỉ USD, tăng 14%),...

Hàng dệt may năm 2018 ước đạt 1,2 tỉ USD, tăng 14% so cùng kỳ

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 800 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất, nhập khẩu. Các sản phẩm có xuất xứ từ Long An được xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường chủ yếu và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Việt Nam (xuất khẩu tại chỗ), Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,... trong đó, năm 2018, xuất khẩu sang Indonesia tăng 136%, Campuchia tăng 64%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 57%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 27%, Hàn Quốc tăng 19% so với năm 2017,... Đặc biệt, Việt Nam xuất khẩu tại chỗ tăng gấp 5 lần. Chỉ có 2 thị trường giảm: Trung Quốc (do số lượng DN xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm, hạt điều giảm) giảm khoảng 25%; Mỹ giảm 20%.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, để kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trong năm 2019, nhất là gỡ khó cho DN xuất khẩu gạo, sở kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và thỏa hiệp với Trung Quốc về thuế nhập khẩu gạo vào thị trường này; đồng thời tiếp tục thông tin về các chính sách, chủ trương sắp tới của thị trường Trung Quốc để DN nắm bắt và kinh doanh hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sở tiếp tục phối hợp DN đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống; tăng cường liên hệ, tiếp xúc, vận động đầu tư, nhất là với cơ quan xúc tiến đầu tư của nước ngoài, các đại diện kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài. Đối với hàng hóa nông sản, nông dân hiểu rõ những quy định của từng thị trường xuất khẩu và tuân thủ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản Việt Nam khi tham gia xuất khẩu./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết