Tiếng Việt | English

27/08/2019 - 19:49

Long An: Phát hiện điểm nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ quy mô lớn 

Ngày 27/8, Công an phường 7 phối hợp Công an TP.Tân An, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra trại cá kiểng, nuôi tôm có địa chỉ tại khu phố An Thuận, phường 7. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng phát hiện trang trại có nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ.

Trang trại trên do ông T.P.M.T, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Tân An làm chủ.

Lực lượng công an phối hợp các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra toàn bộ trang trại

Sau khi phát hiện trang trại do ông T.P.M.T làm chủ có nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ, lực lượng công an phối hợp các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra toàn bộ trang trại.

Theo đó, trang trại có quy mô trên 7.000m2, trong đó có từ 3.000 - 4.000m2 được chủ trang trại phân ra hàng trăm ao nuôi (dạng bể nuôi xây bằng gạch có lót nhựa) để thực hiện nuôi rất nhiều tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ. Tại trang trại, các công đoạn từ nuôi bố mẹ cho đến lai tạo giống được chủ trang trại thực hiện với quy mô rất bài bản.

Tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt được chuẩn bị đưa đi tiêu thụ bị phát hiện

Ao nuôi tôm bố mẹ chuẩn bị đẻ trứng tại trang trại bị lực lượng chức năng phát hiện

Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tôm càng đỏ (hình dạng có màu xanh), tôm hùm nước ngọt (hình dạng màu đỏ). Đây là 2 loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao. Đáng lưu ý, khi ra ngoài môi trường, chúng sinh sôi nhanh chóng, ăn tạp nên phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, đồng thời có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Chính vì những nguy hại trên, tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh, nuôi tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh và tiêu thụ loài này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản kiểm tra, xác định ông T.P.M.T nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ đúng như trong danh mục thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại và ngoại lai xâm hại trong tài liệu của Bộ NN&PTNT. Lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu, tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Nơi thuần dưỡng tôm bột chuẩn bị thành tôm con ở trang trại bị lực lượng chức năng phát hiện

Do quy mô trang trại khá lớn và rất nhiều ao nuôi, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng tiến hành phân công lực lượng công an, dân phòng phường 7 phối hợp chủ trang trại lưu giữ số tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ tại chỗ nhằm tránh mang ra bên ngoài.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, trường hợp nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ tại phường 7 là điểm đầu tiên mà các ngành chức năng phát hiện trên địa bàn TP.Tân An cũng như trên địa bàn tỉnh Long An.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đặc điểm nhận dạng, tác hại của tôm hùm nước ngọt và vận động người dân, doanh nghiệp không mua bán, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt.

Tôm càng đỏ (hình dạng có màu xanh), tôm hùm nước ngọt (hình dạng màu đỏ) được phát hiện nuôi tại trang trại ở phường 7, TP.Tân An

Bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ thêm, người dân, doanh nghiệp đừng vì thiếu hiểu biết pháp luật, lợi nhuận của bản thân mà nuôi, kinh doanh loài thủy sinh này làm gây hại cho môi trường tự nhiên, trái quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Trường hợp người dân phát hiện thì báo ngay cho chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát tán loài ngoại lai, xâm hại này đối với môi trường tự nhiên./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích