Tiếng Việt | English

15/12/2016 - 15:47

Long An: Trên 13 triệu USD cho “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”

“Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” tỉnh Long An được thực hiện tại 23 xã ở 5 huyện với diện tích canh tác lúa hơn 49.500 ha, khoảng 25.000 hộ nông dân tham gia với tổng nguồn vốn 13,456 triệu USD.

Ngày 15/12/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo truyền thông kết quả thực hiện “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” tỉnh Long An năm 2016, gọi tắt là Dự án VnSAT. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án tại Long An – Nguyễn Chí Thiện chủ trì hội thảo.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Dự án VnSAT thực hiện trên địa bàn của 13 tỉnh, thành gồm: 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) và 8 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2020. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 301 triệu USD, trong đó vốn vay từ nguồn ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 238 triệu USD, vốn đối ứng 28 triệu USD và vốn tư nhân là 35 triệu USD.

Tại Long An, dự án sẽ được thực hiện ở 23 xã của 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường với diện tích canh tác lúa hơn 49.500ha, khoảng 25.000 hộ nông dân tham gia. Tổng nguồn vốn là 13,456 triệu USD, trong đó vốn vay từ nguồn ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 8,346 triệu USD, vốn đối ứng 2,175 triệu USD và vốn tư nhân là 2,935 triệu USD.


Dự án sẽ được thực hiện trên 49.500ha lúa

Trong năm 2016, dự án triển khai các hoạt động: Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho nông dân, 94 lớp (kế hoạch 100 lớp) tập huấn 3 giảm, 3 tăng thu hút hơn 16.374 lượt hộ nông dân tham dự, xây dựng các điểm trình diễn phục vụ hội thảo đầu bờ, hoàn thiện văn phòng và trang thiết bị cho các đơn vị hỗ trợ dự án, rà soát, kiểm tra các vị trí dự kiến xây dựng kết cấu hạ tầng cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã,…với tổng kinh phí thực hiện 5,170 tỉ đồng. Kế hoạch trong năm 2017, ước tính kinh phí thực hiện 87,751 tỉ đồng, trong đó, vốn IDA là 51,076 tỉ đồng, vốn đối ứng 10,649 tỉ đồng, vốn tư nhân là 26,026 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: Đây là dự án nông nghiệp có vốn đầu tư lớn, trên phạm vi rộng và có nhiều hộ nông dân tham gia nên Ban Quản lý Dự án cần phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện tốt các nội dung của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, đưa ngành hàng lúa gạo của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người trồng lúa, góp phần xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết