Tiếng Việt | English

09/01/2019 - 08:55

Ly hôn gia tăng: Thực trạng đáng báo động - Bài 2: Gia tăng tỷ lệ ly hôn

Trung bình tại Long An, một ngày, các Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp phải thụ lý gần 20 vụ ly hôn. So với 10 năm trước, số vụ ly hôn tại Long An tăng gấp gần 4 lần và đang tăng đều qua từng năm. Đây là thực trạng đáng báo động trong mối quan hệ gia đình hiện nay.

Ly hôn là bất bình thường đối với các cặp vợ chồng nhưng cần thiết để bảo đảm quyền tự do trong hôn nhân và ly hôn là biện pháp để củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Thế nhưng, tỷ lệ ly hôn quá lớn và đang tăng qua từng năm thực sự là con số đáng báo động trong xã hội hiện nay. 

Một ngày, Ngành Tòa án thụ lý gần 20 vụ ly hôn

Bến Lức là một trong những huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp, dịch vụ.Những năm gần đây, cùng với sự phát triển KT-XH, những hệ lụy về lối sống hiện đại, công nghiệp cũng đang len lỏi vào đời sống người dân.Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến. Năm 2009, TAND huyện Bến Lức chỉ thụ lý hơn 200 vụ việc ly hôn thì năm 2018, thụ lý giải quyết lên đến gần 800 vụ việc.

Lịch xét xử của TAND “dày đặc” các vụ việc ly hôn

Theo Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường, khoảng 10 năm trước, trong tổng số vụ việc do tòa thụ lý thì số vụ việc liên quan đến lĩnh vực dân sự thường chiếm số lượng lớn nhất. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thì số vụ việc liên quan đến ly hôn bỗng vượt lên dẫn đầu trong tổng số các loại vụ việc do tòa thụ lý. Trung bình một thẩm phán tại TAND huyện Bến Lức phải thụ lý khoảng 10,2 vụ/tháng. Những người đến tòa xin ly hôn ngoài người địa phương thì số lượng người từ các địa phương khác đến xin ly hôn cũng rất cao, chiếm khoảng 40% và đa số đang làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. “Những người đến xin ly hôn hiện nay phần lớn đều tự nguyện, không có quá nhiều ràng buộc, phức tạp. Xã hội cũng bắt đầu chấp nhận việc ly hôn, không còn khó khăn như trước. Cùng với đó, việc ly hôn hiện nay quá dễ dàng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa khiến nhiều cặp vợ chồng dễ đi đến quyết định ly hôn khi cảm thấy cuộc sống vợ chồng có mâu thuẫn, không còn phù hợp” - Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường cho biết.

Thống kê tại Long An cho thấy, từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/11/2018, TAND 2 cấp tỉnh Long An thụ lý trên 6.500 vụ ly hôn. Tính ra một ngày, ngành tòa án phải thụ lý gần 20 vụ ly hôn. Phần lớn địa phương có số vụ ly hôn cao thường tập trung tại các huyện phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ.

Số vụ ly hôn gia tăng qua từng năm

Hôn nhân không hạnh phúc thì ly hôn là một giải pháp để kết thúc một cuộc hôn nhân, tạo dựng cuộc sống mới cho cả hai, bảo đảm quyền tự do trong hôn nhân, củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Nhưng đó lại là một thực trạng đáng báo động về cuộc sống, các mối quan hệ gia đình khi số vụ việc ly hôn đang tăng cao qua từng năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo số liệu của TAND tỉnh Long An về số vụ việc ly hôn do TAND 2 cấp thụ lý trong 10 năm qua thì tổng số vụ việc ly hôn năm 2009 chỉ hơn 1.800 trường hợp thì đến hết ngày 30/11/2018, số vụ việc ly hôn do TAND 2 cấp tỉnh thụ lý đã lên đến hơn 6.500 trường hợp. Số vụ việc ly hôn năm sau đều cao hơn năm trước.Trung bình mỗi năm, số vụ việc ly hôn tăng khoảng 500 vụ.
Tại huyện Đức Hòa, năm 2009, mặc dù dẫn đầu toàn tỉnh về số vụ việc thụ lý nhưng con số cũng chỉ dừng lại chưa đầy 350 vụ, nhưng sau qua 10 năm, con số này nhảy vọt lên đến 1.564 vụ vào năm 2018. Trung bình 1 ngày, TAND huyện Đức Hòa phải thụ lý gần 5 vụ việc ly hôn và 1 thẩm phán phải giải quyết trên 110 vụ/năm. Tương tự, tại các địa phương khác như Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An cũng dao động từ 500 đến gần 800 vụ. “Việc số vụ việc ly hôn cao, tăng qua từng năm phản ánh rõ ràng nhất về mối quan hệ, tình cảm vợ chồng trong xã hội hiện nay. So với trước đây, cuộc sống, cách ứng xử trong mối quan hệ giữa vợ - chồng cũng thoáng hơn trước.Những nét truyền thống từng một thời gắn chặt với người phụ nữ như "tam tòng, tứ đức" đang dần thay bằng lối sống hiện đại hơn. Người phụ nữ không còn cam chịu, phụ thuộc quá nhiều vào người chồng mà sẵn sàng tự tạo lập cuộc sống mới. Từ đó khiến cho số vụ việc ly hôn ngày càng nhiều và tăng đều qua từng năm. Trong số gần 120 vụ việc ly hôn tôi trực tiếp giải quyết từ đầu năm đến nay, có rất nhiều vụ việc người phụ nữ chủ động trong việc đề nghị được ly hôn” - thẩm phán TAND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Mộng Thúy cho biết.

Ly hôn gia tăng không chỉ phản ánh tình trạng đáng báo động về cuộc sống vợ chồng trong xã hội hiện đại mà nó còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trẻ em thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ, ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tâm hồn, người trong cuộc sẽ có những tổn thương về tâm lý nhất định, thậm chí có không ít vụ việc đau lòng khởi nguồn bởi 2 chữ ly hôn./.

(còn tiếp)

Bài 3: Hệ lụy sau ly hôn

Kiên Định
 

Chia sẻ bài viết