Facebook thu hút nhiều bạn trẻ sử dụng
Mạng xã hội - công cụ giải trí đa năng
Trước đây, giới trẻ hầu như chỉ “quanh quẩn” quanh các forum (diễn đàn) của một website chuyên về một đề tài nào đó, có thể là âm nhạc, điện ảnh, công nghệ, mua bán,... Hoặc, nếu muốn tâm sự hay ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ của riêng mình, họ cũng có thể sử dụng các trang nhật ký điện tử như blog hay sau này là Blog 360 độ của Yahoo! Điểm chung của MXH “sơ khai” thời kỳ này chính là rất ít sự tương tác giữa những thành viên trong diễn đàn hay bạn bè trong nhật ký điện tử. Các câu trả lời trong một chủ đề hay các bình luận trong nhật ký cũng “nguội” nên không gian sống “trên mạng” của giới trẻ có phần vắng lặng hơn hiện nay.
Ngày nay, nhiều MXH khác thi nhau ra đời nhưng sức “nóng”, sự ảnh hưởng đối với người dùng cũng không hề giảm. Bởi, mỗi MXH đều có một sức hấp dẫn riêng, phù hợp với từng đối tượng người dùng. Hiện tại, ở Việt Nam, một số MXH thu hút nhiều người dùng là Facebook, Twitter, Google+, Instagram, Zing Me, YuMe, Tamtay,... và gần đây “nổi” lên một số MXH “thu nhỏ”, thuận tiện khi sử dụng trên smartphone như: Line, Zalo hay Beetalk,... MXH có những ưu điểm khiến người dùng bị “hút hồn”, chính là việc tích hợp nhiều tính năng, tiện ích như chat, e-mail, chia sẻ video, hình ảnh, blog, đọc báo, làm quen, kết bạn, chơi game,...
Trong đó, có thể nói, sự ra đời của Facebook chính là “phát súng” bùng nổ của MXH như hiện nay. Thử tưởng tượng, thay vì trên diễn đàn, ta có thể vi vu 1, 2 ngày kiểm tra xem có ai trả lời hay bình luận thì với Facebook, chỉ cần đăng một trạng thái (status) thì 1, 2 giây sau đã có tín hiệu phản hồi từ bạn bè. Chính độ “nóng”, nhanh nhạy và tương tác liên tục, Facebook cứ “cuốn” người dùng không thể dứt ra được, đây là một trong những nguyên nhân khiến người dùng “nghiện” lúc nào không hay.
Với Facebook, đời sống tinh thần của mỗi người dường như phong phú hơn. Mỗi ngày, chuyện vui, buồn trong cuộc sống, ăn uống, du lịch ở đâu, vui chơi thế nào hay làm việc ra sao, mọi người đều có thể chia sẻ qua những dòng trạng thái. Facebook như một “ngôi nhà” ảo của mỗi người - nơi lưu giữ tất cả những hoạt động, hình ảnh, kỷ niệm cùng người thân, bạn bè qua thời gian.
Cũng nhờ Facebook mà rất nhiều người tìm được những người bạn cũ đã lâu không còn liên lạc; kết bạn, giao lưu cùng bạn mới, thậm chí là những người bạn ngoại quốc. Hoặc với những người chỉ gặp một vài lần, ít thân thiết, không có cơ hội trò chuyện hay giữa cấp trên và nhân viên, cha mẹ và con cái, nhờ có Facebook, khoảng cách được xóa bỏ, mọi người trở nên thân thiện, gần gũi hơn.
Facebook cũng có các fanpage của người nổi tiếng dành cho những ai quan tâm đến thần tượng của mình hay có thể “dạo” chơi quanh các trang mua bán hoặc các nhóm (group) cùng chung sở thích,... Có thể nói, Facebook như một thế giới thu nhỏ, một người ngồi tại nhà, chỉ cần một chiếc laptop hay điện thoại có kết nối mạng thì cả thế giới có thể “gói gọn” trong tầm tay.
Một bạn trẻ đang sử dụng Facebook
Mặt trái của mạng xã hội
Bên cạnh lợi ích, MXH cũng tồn tại rất nhiều yếu tố tiêu cực người sử dụng cần cân nhắc, tránh việc quá lạm dụng, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Có nhiều người bị “nghiện” MXH, đặc biệt là Facebook, trên tay lúc nào cũng cầm sẵn điện thoại, đi đâu, làm gì, với ai cũng chia sẻ trên trạng thái, rất lãng phí thời gian và không chú tâm vào công việc. Thậm chí, những hờn giận hay việc không hài lòng với ai đó cũng vô tư “trút” trên trang cá nhân mà không nghĩ rằng, tình cảm bạn bè sẽ rạn nứt hay cấp trên, đồng nghiệp, người thân không vui nếu chia sẻ không tế nhị. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh, suy nghĩ chưa chín chắn, bất cứ chuyện gì, các em cũng đăng trên Facebook có thể gây ra những hệ quả không tốt.
Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa - Đỗ Thị Liêm Chính chia sẻ: “Là Bí thư đoàn, đồng thời cũng là giáo viên môn Giáo dục công dân, tôi biết có nhiều trường hợp các em hờn giận cha mẹ, thầy, cô hay bạn bè,... thì đều chia sẻ hết trên Facebook. Sử dụng Facebook là quyền riêng tư, không thể cấm cản, nhưng tôi cũng lặng lẽ quan sát hoạt động của các em qua trang cá nhân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng và can thiệp, tư vấn kịp thời. Đồng thời, tôi thường nhắc nhở học sinh không được lạm dụng Facebook làm xao nhãng việc học”.
Em Nguyễn Lê Minh Nguyệt (lớp 11A7, Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Facebook có những lợi thế là chúng em tham gia vào các nhóm học tập, chia sẻ tài liệu cùng nhau. Tuy nhiên, em thấy các thông tin trên Facebook chưa được chọn lọc, khi đọc rất dễ bị “rối”. Đặc biệt, có nhiều người lừa đảo qua MXH nên người dùng phải cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân của mình”.
Hiện nay, có một thực trạng là người dùng Facebook thường xuyên bị “mời” vào các nhóm linh tinh hay bị chia sẻ những đường link của những website đồi trụy hay có nội dung phản động, chống phá Nhà nước,... Thậm chí, có trường hợp người dùng bị đánh cắp tài khoản, lấy thông tin cá nhân để trục lợi. Điển hình nhất là các trường hợp bán sim điện thoại, nhờ mua giúp thẻ cào điện thoại bằng cách giả danh bạn bè.
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hiện tại, pháp luật nước ta có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về việc quản lý hay các quy định, chế tài liên quan đến việc kiểm soát thông tin trên mạng tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định 174/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Cụ thể, qua các quy định tại Điều 5 - Các hành vi bị cấm và Điều 21 - Nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng của Nghị định 72/2013/NĐ-CP; Điều 66 - Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin của Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khó khăn chung là hiện tại, pháp luật chưa hoàn thiện kịp so với sự phát triển quá nhanh của MXH. Đa phần các MXH có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc đăng ký các thông tin trên MXH nói chung, Facebook nói riêng vẫn chưa có cơ chế xác định danh tính của người sử dụng (ngoại trừ các trường hợp vi phạm pháp luật được cơ quan điều tra khoanh vùng bằng các biện pháp nghiệp vụ) nên việc kiểm soát còn nhiều hạn chế. Đặc trưng của mạng ảo hiện nay là các thông tin không chính thống, chưa được xác thực hoặc mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người nổi tiếng,... rất nhiều.
Do đó, người dùng MXH phải đủ thông minh để chọn lọc cho mình những thông tin chính xác, tránh nghe theo thông tin một chiều. Người dùng phải tự ý thức việc chia sẻ (share) hay bình luận (comment) sai sự thật do bị tác động bởi các nguồn tin không chính thống. Ngoài ra, phải đặc biệt lưu ý về an toàn, an ninh thông tin, bị virus lây lan qua các đường link không rõ nguồn gốc để tránh mất cắp dữ liệu cá nhân, bị kiểm soát tài khoản ngân hàng,... qua MXH.
Quả thật, MXH là con dao hai lưỡi, khi tồn tại song song những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Không thể phủ nhận những lợi ích mà MXH mang lại, đây là điều hiển nhiên, phù hợp với sự phát triển chung của cuộc sống. Tuy nhiên, ta chỉ nên xem MXH là một công cụ giải trí, hỗ trợ đơn thuần, đừng quá phụ thuộc để MXH làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Do đó, để tránh những tác hại khôn lường từ MXH, trước tiên, phải tự bảo vệ mình!
Cát Tường