Tiếng Việt | English

16/12/2019 - 15:05

'Mạo hiểm' trồng bơ Booth trên vùng đất phèn

Trước đây, ông Trần Trọng Đức, ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chủ yếu trồng lúa, dừa. Nhận thấy thị trường ngày càng bấp bênh, giá lúa lại lên xuống thất thường, cộng với năng suất không cao nên năm 2015, ông đã “mạo hiểm” trồng cây bơ Booth trên vùng đất lúa. Sau 3 năm, hiện hơn 300 cây bơ Booth của gia đình ông đang phát triển rất tốt và chuẩn bị cho trái.

Mạo hiểm chuyển đổi cây trồng

Vô tình biết đến cây bơ Booth trên một chương trình truyền hình, ông Đức đã cảm thấy hứng thú với giống bơ có cái tên khá lạ này. Trước khi quyết định trồng, ông đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc bơ Booth tại các nhà vườn ở tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, ông trồng thử 2ha bơ Booth trên đất nông nghiệp của gia đình tại tỉnh Đắk Nông. Và bơ Booth trồng ở đây phát triển tốt, cho năng suất cao. Trong quá trình trồng, ông nhận thấy, giống bơ này không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu, bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu tương đối ôn hòa. Do đó, ông mua giống từ Trung tâm Giống cây trồng ở Tây Nguyên mang về trồng thử trên vùng đất Thủ Thừa, Long An.

Ông Đức trồng bơ xen với cây na

Ông Đức chia sẻ, giữa năm 2015, gia đình mạnh dạn chuyển đổi 1,2ha đất trồng lúa sang trồng hơn 300 cây bơ Booth của Mỹ. Khi chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng cây bơ, bạn bè, người thân, kể cả hàng xóm đều cho rằng ông quá mạo hiểm, ai cũng cười nhạo và nói ông làm không giống ai. Thế nhưng, hôm nay đến tham quan vườn bơ nhà ông, nhìn những cây bơ phát triển tốt, chuẩn bị cho trái thì ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Khi được hỏi tại sao chọn giống bơ Booth, ông Đức cho biết: “Giống bơ này có nguồn gốc từ vùng Florida của Mỹ, được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mang về trồng thử nghiệm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1998. Sau 2 năm trồng thử nghiệm tại đây, giống bơ này được đưa về trồng thử nghiệm tại Viện Ea Kmat, Tây Nguyên. Tính đến thời điểm này, giống bơ Booth thích nghi được với môi trường tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Không chỉ mạo hiểm chuyển đổi cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà ông Đức còn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc giống bơ Booth cho những ai đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Ông khẳng định, trồng bơ không chỉ muốn có thu nhập cao, dễ chăm sóc hơn các loại cây trồng khác mà điều đáng nói là ít phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân. 

Ông Đức cho biết, cây bơ chuẩn bị ra nụ

Ông Đức cho biết, cây bơ chuẩn bị ra nụ

Cây sinh trưởng và phát triển rất tốt

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn bơ Booth đang giai đoạn sung sức, chuẩn bị ra hoa mùa đầu tiên, ông Đức vui vẻ nói: Ưu điểm của giống bơ Booth là cho thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2-3 tháng. Đặc biệt, loại bơ này có vỏ màu xanh đậm, trái to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao, trung bình khoảng 2-3 trái/kg. Việc đầu tư trồng bơ cũng không đòi hỏi nguồn vốn lớn, với 1ha đất chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng gồm tiền giống, công, phân bón. Với cây bơ Booth, chỉ cần dọn vườn rồi đào hố vừa phải, bón lót phân chuồng xong đợi khi mùa mưa đến thì xuống giống. Hiện nay, vườn bơ của ông sinh trưởng tốt, cành to, khỏe, khả năng phát triển cành, tán khá mạnh, tỷ lệ ra hoa đậu trái cao. Từ năm thứ 3, vườn bơ cho thu hoạch.

Trao đổi về kỹ thuật trồng, ông Đức cho biết, cây bơ rất dễ trồng, ít bị sâu, bệnh, khoảng 3 tháng bón phân 1 lần. Khi cây ra hoa phải hạn chế tưới nước vì tưới nước nhiều, cây sẽ ra đọt non, dễ làm rụng trái non. Bơ thường ra hoa vào tháng 1-2 âm lịch, thu hoạch trái từ tháng 4 đến 5, 6 âm lịch.

“Hiện bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg. Vì vậy, tôi không cần phải lo đầu ra. Từ khi hái xuống, phải đến 10-12 ngày sau thì trái mới chín cùng với hình thù trái tròn, vỏ dày cứng và chắc nên bơ Booth rất thuận tiện khi vận chuyển” - ông Đức cho biết thêm. Hiện nay, gia đình ông đang mở rộng diện tích trồng bơ Booth theo phương thức trồng bơ xen cây na. Với mô hình này, trên một đơn vị diện tích người trồng có thể thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ông còn tìm hiểu và tiến hành ghép cây bơ địa phương với giống bơ Booth để cho năng suất và chất lượng cao./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết