Tổ hợp tác May gia công của chị Phượng được thành lập và hoạt động hiệu quả đã giúp đa số chị em ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, làm bước đà cho những gia đình nghèo thoát khỏi cảnh khó khăn
Tham gia vào tổ may gia công của chị Phượng từ những ngày đầu mới thành lập, nhờ sự nỗ lực của bản thân, đến nay, chị Nguyễn Thị Thêu (ấp Phước Cường) đã cải thiện được kinh tế gia đình, chính thức thoát nghèo. Gia đình chị Thêu có 2 người con đang tuổi đến trường, lại ít đất sản xuất nên kinh tế bấp bênh. Những lúc nông nhàn, ngoài tiền làm thuê của chồng, gia đình chị không có nguồn thu nhập nào khác.
Khi chị Phượng mở tổ may gia công túi xách, chị Thêu là một trong những người tham gia đầu tiên. Những ngày đầu, chị đến nhà chị Phượng học cách may và làm việc tại đó. Một thời gian sau, khi đã thạo việc, chị chuyển về may tại nhà để có thời gian chăm sóc gia đình. Dàn máy may do chị Phượng lắp đặt. Vừa làm việc nhà, vừa may, chị Thêu kiếm được từ 4-6 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập ổn định đó giúp gia đình chị cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Được biết, chị Thêu không phải là trường hợp duy nhất cải thiện kinh tế khi tham gia tổ may gia công. Đa phần chị em tham gia tổ may đều không có việc làm ổn định, lúc nông nhàn hầu như họ không tìm được nguồn thu nhập. Tổ may gia công giúp phụ nữ Giồng Dung nói riêng và Hậu Thạnh Tây nói chung có việc làm và thu nhập ổn định quanh năm, lại có thể sắp xếp công việc vừa làm, vừa chăm sóc gia đình.
Để may thành phẩm một sản phẩm cần qua nhiều công đoạn: Làm quai, may, viền, cắt chỉ,... nên chị em có thể chọn một công đoạn để làm tại nhà hoặc tại cơ sở của chị Phượng. Mức thu nhập dao động từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, tùy theo số lượng sản phẩm làm được. Nhờ vậy, nhiều chị em tham gia tổ cải thiện được kinh tế gia đình.
Chị Út (thành viên của tổ may) cho biết: “Nhờ có tổ may gia công mà gia đình tôi đỡ lắm. Gia đình không có đất sản xuất, trong khi đó con còn nhỏ nên tôi ở nhà chăm con, không làm ra tiền. Từ khi tham gia tổ may gia công, tôi vừa chăm con, vừa may tại nhà cũng được 4-5 triệu đồng/tháng. Năm nay, đứa út đi học mầm non, tôi có nhiều thời gian hơn để may”. Gia đình chị Út thuộc diện hộ nghèo. Sau gần 2 năm tham gia tổ may, kinh tế nhà chị được cải thiện, mặc dù chưa thể thoát nghèo nhưng cuộc sống tốt hơn, các con chị được chăm lo đầy đủ hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người thành lập tổ may gia công, cho biết: Hiện tại, mỗi ngày, tổ có thể may thành phẩm được 6.000-10.000 sản phẩm. Khối lượng công việc trên có thể bảo đảm cho khoảng 50 thành viên của tổ có việc làm liên tục.
Chị Phượng nói: “Lúc mới bắt đầu nhận gia công sản phẩm, nhà tôi chỉ có vợ chồng tôi cùng làm với nhau. Khi số lượng hàng nhận tăng dần và thấy chị em có nhu cầu, chúng tôi mới mở rộng việc gia công, mua thêm máy. Thời điểm đó, tôi được UBND xã hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư thêm máy. Nhờ vậy, tổ mới phát triển dần đến bây giờ”. Chị Phượng dự định nếu chị em phụ nữ có nhu cầu tiếp tục tham gia tổ thì chị sẽ cố gắng tìm thêm đầu mối và nhận gia công nhiều hơn để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa hỗ trợ chị em.
Hậu Thạnh Tây là xã thuộc vùng sâu của huyện Tân Thạnh. Giồng Dung lại là một trong những ấp khó khăn của xã, người dân ngoài sản xuất nông nghiệp thì không có nhiều lựa chọn công việc khác, đặc biệt là với phụ nữ lớn tuổi. Tổ hợp tác May gia công của chị Phượng được thành lập và hoạt động hiệu quả đã giúp đa số chị em ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, làm bước đà cho những gia đình nghèo thoát khỏi cảnh khó khăn./.
Quế Lâm