Tiếng Việt | English

28/09/2020 - 14:15

Về thăm Đồn Tả

Gò Giồng Dung giờ đây là một khoảng đất nông nghiệp trống, cao hơn mặt ruộng xung quanh, thuộc ấp Giồng Dung, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Khoảng đất trống ấy là địa danh mang trong mình nhiều giá trị về mặt khảo cổ và cả di tích chống ngoại xâm.

Tranh vẽ trận tấn công của quân Pháp vào Đồn Tả

Tranh vẽ trận tấn công của quân Pháp vào Đồn Tả

Đồn lũy trọng yếu của Đồng Tháp Mười

Theo khảo tả trong hồ sơ di tích Gò Giồng Dung, từ năm 1864-1866, trong cuộc kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương đã đặt tại Gò Giồng Dung một đồn lớn gọi là Đồn Tả. Đồn Tả là 1 trong 3 đồn lớn, kiên cố nhất trên con đường gạo từ Gò Bắc Chiêng về Gò Tháp. Gò có giao thông hào xung quanh, lũy cao và có bố trí súng. Đồn Tả có 300 nghĩa quân án ngữ, 10 khẩu súng cùng 40-50 thớt bắn đá.

Thời điểm đó, nghĩa quân thường xuất phát từ căn cứ tấn công các đồn lũy của địch ở Cái Bè, Cao Lãnh,... và gây cho địch nhiều tổn thất. Biết được thông tin đó, vua Tự Đức phong cho ông làm lãnh binh. Phong trào khởi nghĩa của Võ Duy Dương vốn đã được nhân dân ủng hộ lại càng có điều kiện phát triển thêm.

Năm 1866, Pháp quyết tâm tiêu diệt căn cứ Đồng Tháp Mười để chiếm Nam kỳ nên triển khai lực lượng tấn công từ nhiều phía. Các nghĩa quân đã chiến đấu hết sức anh dũng, tuy nhiên, các đồn lần lượt thất thủ. Tại Đồn Tả, lãnh binh Võ Duy Dương trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, vì Đồn Tả được xem là mặt trận sống còn bảo vệ đại bản doanh.

Mặc dù đã chiến đấu với tinh thần quyết tử nhưng vẫn không giữ được đồn, phải rút lui. Võ Duy Dương cùng đoàn tùy tùng tìm cách trở về kinh và gặp nạn trên đường đi.

Mặc dù thất thủ nhưng Gò Giồng Dung là chứng tích cho tinh thần kháng Pháp ngoan cường của nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi 2 vị tướng Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều. Gò Giồng Dung là nơi từng có một đồn lũy vào loại trọng yếu nhất bảo vệ căn cứ kháng chiến tại Đồng Tháp Mười. Nơi đó cũng là nhân chứng cho trận chiến quyết liệt cuối cùng do Võ Duy Dương trực tiếp chỉ huy trên căn cứ Đồng Tháp Mười.

Khẩu thần công cỡ cối 80 được cho là vũ khí của nghĩa quân Võ Duy Dương còn sót lại được đặt tại Bảo tàng Thư viện tỉnh

Khẩu thần công cỡ cối 80 được cho là vũ khí của nghĩa quân Võ Duy Dương còn sót lại được đặt tại Bảo tàng Thư viện tỉnh

Giồng Dung ngày nay

Gò Giồng Dung giờ đây ngoài địa điểm lịch sử thì không còn lưu dấu bất kỳ vết tích nào của đồn lũy năm xưa. Gò Giồng Dung trở thành khu vực đất nông nghiệp và hiện tại bỏ trống. Do địa thế khó khăn nên khu di tích ít người lui tới, cũng không có bia hay công trình tôn tạo nào đặt tại khu vực gò. Thế nhưng, dấu ấn về vị tướng Võ Duy Dương thì vẫn hằn sâu trong tâm trí của người dân.

Trong cuộc trò chuyện với lão nông Lê Văn Tư (ấp Giồng Dung, xã Hậu Thạnh Tây), chúng tôi được nghe ông nhắc về Võ Duy Dương như một sự tự hào của người dân Giồng Dung nói riêng và Đồng Tháp Mười nói chung.

Ông Tư khẳng định: “Giồng Dung hồi xưa khó khăn lắm, sình lầy, ngập lụt, không có đường đi. Nhưng dân ở đây thì rất ủng hộ chính quyền. Có chủ trương, chính sách gì thì luôn thực hiện tốt. Đó được xem là truyền thống xưa giờ rồi”.

Truyền thống đó giúp Giồng Dung khắc phục khó khăn, nâng cao dần chất lượng cuộc sống người dân. Từ một ấp không có đường đi, giờ đường vào Giồng Dung được tráng bêtông. Đất nông nghiệp trong ấp hầu hết đều được đê bao bảo vệ, có trạm bơm bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất. Nông dân làm ruộng ở Giồng Dung không phải lo lũ cuốn trôi lúa, thành quả của mình sau bao ngày vất vả. Người Giồng Dung còn nỗ lực tìm cách phát triển kinh tế cho mình và cho cả bà con, hàng xóm. Những tổ hợp tác được thành lập giúp phụ nữ có việc làm khi nhàn rỗi và có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ nhờ vậy mà thoát nghèo.

Sau khi xây dựng thành công xã nông thôn mới, Hậu Thạnh Tây đã hoàn toàn “thay da, đổi thịt”. Số hộ nghèo giảm theo từng năm, cầu giao thông nông thôn mọc lên thay thế các bến đò đưa, đón khách. Đường quê được bêtông hóa, đường nội đồng được cứng hóa, đê bao được xây dựng khắp các cánh đồng, trạm bơm được chung tay lắp đặt. Vùng sình lầy trở nên trù phú. Những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn mít sai trái tạo nên hình ảnh một vùng quê trù phú.

Giờ đây, muốn hiểu thêm về những chiến tích của một thời kháng Pháp hào hùng tại Gò Giồng Dung, chúng ta có thể tìm đến Bảo tàng Thư viện tỉnh, nơi còn lưu lại khẩu thần công cỡ cối 80 được cho là vũ khí của nghĩa quân Võ Duy Dương còn sót lại. Bức tranh vẽ trận tấn công của quân Pháp vào Đồn Tả cũng được trưng bày tại phòng “Chống Pháp” tại Bảo tàng Thư viện. Khoảng đất trống Gò Giồng Dung mặc dù không giữ lại được bất kỳ dấu tích nào, cũng vẫn là nơi nhắc nhở thế hệ sau về sự anh dũng của tổ tiên mình trong công cuộc chống ngoại xâm./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết