Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung của dự thảo được dư luận quan tâm là quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Mức sinh con đã giảm
Trong tờ trình Chính phủ về dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án. Phương án 1, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2, tiếp tục quy định như hiện hành, sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Với phương án để các gia đình tự quyết định số con, Bộ Y tế cho rằng có ưu điểm là tôn trọng, bảo đảm quyền con người; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số. Đề xuất này cũng phù hợp với thực tế hiện nay khi chúng ta đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế liên tục 10 năm qua. Từ năm 2006 đến nay, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam luôn dưới mức sinh thay thế, trung bình dưới 2,1 con/bà mẹ.
Theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là mức sinh ở các khu vực không đồng đều. Tại những địa phương nghèo, mức sống thấp thì mức sinh lại cao, như: Lai Châu (3,11 con/phụ nữ), Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ)... Tại địa phương có mức sống cao thì mức sinh rất thấp, điển hình là TP HCM (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ). Tính chung, ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL, mức sinh chỉ khoảng 1,5 con/phụ nữ. Cùng đó, các nguyên nhân tiếp tục làm mức sinh giảm ngày càng tác động mạnh là phát triển và đô thị hóa, vô sinh có xu hướng gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại. Năm 2025, Việt Nam sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 106-107 triệu vào giữa thế kỷ. Hiện Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 8 ở châu Á và thứ 14 của thế giới.
Hội chứng 4-2-1
Theo các chuyên gia dân số, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ xuống rất thấp, dân số suy giảm, để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến khích sinh con nhưng rất khó khăn. Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh 1 con bằng chính sách sinh 1 hoặc 2 con… Vì vậy, các tỉnh, thành ở Việt Nam có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế cần phải đẩy mạnh các biện pháp giảm sinh. Ngược lại, các tỉnh, thành đã đạt mức sinh thay thế hay thấp hơn cần phải nới lỏng hoặc khuyến khích sinh nhằm tránh nguy cơ suy giảm dân số.
Ông Nguyễn Văn Tân, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết bước đầu, số lượng người dân đồng thuận với phương án tự quyết định số con khá nhiều nhưng cũng có không ít ý kiến không đồng thuận. Điều quan trọng là chính sách được đưa ra phải dựa trên các quyền căn bản của con người, phù hợp với lợi ích của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng duy trì mức sinh thay thế, đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi hiện một số vùng vẫn có mức sinh cao.
Theo ông Tân, Việt Nam luôn coi công tác dân số là một cuộc vận động lớn với mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có 2 con mà chưa có một cơ chế, chế tài, chính sách pháp luật nào khống chế mức sinh, xử phạt người vi phạm. Hơn nữa, việc vận động người dân sinh ít con trước hết cũng là vì lợi ích của từng cá nhân, từng gia đình để nuôi dạy con được tốt hơn. Do đó, các vùng có tỉ suất sinh cao thì tiếp tục vận động người dân “sinh từ 1-2 con”, còn những nơi có mức sinh thấp thì vận động “sinh đủ 2 con”. Dự kiến Luật Dân số sẽ được đưa vào chương trình làm luật và trình Quốc hội vào năm 2018.
Nói về chính sách dân số, GS-TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em - lo ngại việc người dân lười sinh sẽ tạo ra không ít hệ lụy. Thực tế là xã hội càng phát triển thì các cặp vợ chồng càng lười sinh hơn. Nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống Trung Quốc - tức cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỉ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Luật không quy định phạt vì sinh nhiều con Trước thực tế nhiều địa phương, cơ quan xử phạt người sinh con thứ 3, ông Nguyễn Văn Tân cho biết việc này luật không có điều khoản nào quy định và cũng không có chế tài xử phạt trong Pháp lệnh Dân số. Đối với cán bộ, công chức cũng có quy định riêng. Những vấn đề nhà nước chưa quy định thì các đơn vị, cơ quan thỏa thuận thống nhất với nhau. Mục đích là để nâng cao chất lượng dân số, có trách nhiệm với đất nước trong vấn đề sinh đẻ. |
Ngọc Dung/nld.com.vn