Nỗ lực nâng mức sinh
Mức sinh thấp gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số (DS), đẩy nhanh tốc độ già hóa DS và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Điều này kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước.
Thời gian qua, mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được các địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Công tác khen thưởng đơn vị đạt mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được huyện Thạnh Hóa quan tâm
Hàng năm, Trung tâm Y tế cấp huyện tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung xây dựng mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Ban DS - Phát triển cấp xã tùy theo tình hình từng địa phương có các giải pháp cụ thể, phù hợp trong tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng nhằm duy trì và xây dựng mô hình.
Tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” được chú trọng bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú. Qua đó, góp phần điều chỉnh quy mô DS hợp lý, xây dựng gia đình 2 con ấm no, tiến bộ và hạnh phúc.
Viên chức DS, lực lượng cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em (gọi tắt CTV DS) tại các địa phương phối hợp ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cao điểm vào các đợt hưởng ứng Ngày DS Thế giới, Tháng hành động quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam, Ngày tránh thai thế giới và các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng DS tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế.
Đến nay, huyện có 2 xã: Thủy Tây và Tân Hiệp 3 năm liên tục (2021, 2022 và 2023) đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Từ đó, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Trần Thanh Mộng cho biết: “Hàng năm, Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề, UBND cùng các ban, ngành, đoàn thể xã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và nhiều giải pháp để triển khai, thực hiện mô hình đạt 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức như phát thanh qua các cụm loa, thông tin lưu động, cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, nhóm và tổ chức vãng gia đến từng hộ gia đình. Ngoài ra, xã đưa chính sách DS - sức khỏe sinh sản vào quy ước ấp văn hóa và được thực hiện gắn với xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng và là tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa, xét thi đua đối với các tập thể hàng năm”.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được TP.Tân An xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đây là giải pháp nhằm đạt mức sinh thay thế, không để mức sinh giảm quá thấp, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với quá trình già hóa DS, thực hiện phân bố dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng DS. Từ đó, tỷ lệ tăng DS tự nhiên hàng năm bảo đảm chỉ tiêu thành phố giao.
Năm 2023, TP.Tân An có 12 xã, phường được công nhận đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Trong đó, phường 1, phường Tân Khánh, xã An Vĩnh Ngãi, Lợi Bình Nhơn duy trì mô hình 3 năm liên tục (2021, 2022 và 2023); phường 2, phường 4 và xã Bình Tâm duy trì mô hình 2 năm liên tục (2022 và 2023).
Tư vấn, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn TP.Tân An về ý nghĩa của việc sinh đủ 2 con
Trưởng phòng DS - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế TP.Tân An) - Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: “Đạt kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, thành phố và các xã, phường đối với công tác DS và phát triển. Các xã, phường chủ động triển khai, thực hiện các hoạt động nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, chính sách động viên, khen thưởng phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi góp phần thúc đẩy tỷ lệ sinh đủ 2 con trên địa bàn. Năm 2023, tỷ suất sinh là 9,94‰, tăng 0,42‰ so với năm 2022 (đạt và vượt 211,88% kế hoạch)”.
Đặc biệt, các ngành, đoàn thể, lực lượng CTV DS có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, người dân từng bước nhận thấy ý nghĩa của việc sinh đủ 2 con là góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và sự phát triển của xã hội.
Khen thưởng phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi trên địa bàn TP.Tân An
Chị Lê Tống Hoàng Thạch Thảo (phường 1, TP.Tân An) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân nên kinh tế chỉ tạm ổn định. Vì vậy, tôi dự định không sinh thêm nữa hoặc chờ khi đứa con đầu lòng học hết cấp 1 mới sinh thêm con thứ 2. Thế nhưng, nếu sinh 1 con thì sau này con mình sẽ buồn vì không “có anh, có em” để nương tựa nhau. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định sinh đủ 2 con trước 35 tuổi để con sinh ra khỏe mạnh”.
Việc sinh đẻ phù hợp, bảo đảm mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu DS vàng, làm chậm lại quá trình già hóa DS. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành DS và cả hệ thống chính trị, người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay thực hiện hiệu quả chính sách DS, đặc biệt là nên sinh đủ 2 con vì sự phát triển bền vững của đất nước và dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt./.
|
Long An là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước. Ngành Dân số tỉnh có nhiều nỗ lực để tăng mức sinh thay thế.
|
Ngọc Mận