Tiếng Việt | English

02/12/2015 - 05:42

Mỗi năm, người Việt chi 3 tỉ USD cho du học nước ngoài

Hiện có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000-40.000 USD mỗi năm. Tổng cộng, người Việt mỗi năm đang chi khoảng 3 tỉ USD để có được nền giáo dục quốc tế.

 

Sinh viên VN tham gia một chương trình giao lưu tại ĐH Konkuk (Hàn Quốc) - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Đó là một trong những nội dung báo cáo đáng chú ý được nêu tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) 2015 ở Hà Nội ngày 1-12, quy tụ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ở VN.

Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của VBF cho biết điều 24 của nghị định 73 hạn chế tỉ lệ học sinh Việt Nam 10%, 20% được phép đăng ký học tại các trường quốc tế tại VN, và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt ra nước ngoài du học.

VBF chỉ ra rằng hạn chế tỉ lệ 10% và 20% học sinh VN được phép học tại trường quốc tế được tính trên số lượng học sinh nước ngoài của trường sẽ không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh thành ở VN.

Ngoài ra, nếu các cơ sở giáo dục không có học sinh nước ngoài học tập thì cũng sẽ không được tuyển học sinh VN vào học. Thực tế là hầu hết các tỉnh thành trừ Hà Nội và TP.HCM có rất ít người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, do đó hầu như không có học sinh nước ngoài đăng ký học.

"Nếu theo tỉ lệ hạn chế nêu trên sẽ không có học sinh VN được phép tiếp cận với trường quốc tế dù có nhu cầu. VBF đề xuất Chính phủ nên bỏ điều khoản hạn chế này để học sinh VN có nhiều cơ hội tiếp cận với trường quốc tế ngay tại VN thay vì phải đi nước ngoài", báo cáo nêu.

VBF cho biết việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung trong thị trường VN vì trong thực tế rất ít giáo viên tiếng Anh người nước ngoài có trình độ cử nhân ngôn ngữ học hoặc giảng dạy tiếng Anh (theo yêu cầu của nghị định 73).

Do đó, VBF đề xuất sửa đổi nghị định 73 để cho phép tuyển dụng giáo viên tiếng Anh có trình độ cử nhân trong bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu (không nhất thiết phải trong ngành ngôn ngữ học hoặc giảng dạy tiếng Anh), miễn là họ là người nói tiếng Anh bản địa; và giáo viên tiếng Anh bán thời gian hoặc theo mùa vụ sử dụng một giấy phép lao động để giảng dạy tại nhiều trường học hoặc trung tâm ngoại ngữ.

Quá nhiều giấy phép

Nghị định 73, ban hành năm 2012 nhằm thay thế nghị định 06, áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài và hợp tác trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam bao gồm các trường đại học, trường học có vốn đầu tư nước ngoài và các trường mẫu giáo, chương trình bán du học, và các văn phòng đại diện của các tổ chức giáo dục nước ngoài.

Tuy nhiên, nhóm công tác VBF cho biết nghị định 73 phức tạp hơn so với nghị định 06 trước đây với yêu cầu 03 loại giấy phép, cụ thể là: giấy phép đầu tư, sau đó là giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động. Điều này áp dụng ngay cả khi thành lập chi nhánh của một tổ chức đã được cấp phép. Rất nhiều thủ tục giấy tờ lặp đi lặp lại trong các quá trình và yêu cầu nhiều đánh giá của nhiều cục, vụ liên quan, dẫn đến việc lãng phí thời gian cho các nhà đầu tư/các tổ chức và các cơ quan cấp giấy phép.

“Các nhà đầu tư mới vào Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư hiện tại, cảm thấy rằng rất khó để vượt qua tất cả các thủ tục cấp phép phức tạp. Ngoài ra, điều này mâu thuẫn với những chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội về Luật đầu tư (tức là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư)”, nhóm công tác nêu./.

Q. Trung - C.V.Kình/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích