Từ xưa đến nay, ông cha ta đã đúc kết: “Sức khỏe là vàng”, “Người sống hơn đống vàng”, với ý nghĩa đề cao sức khỏe, tính mạng con người.
Hiện nay, khi kinh tế càng phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe càng được quan tâm hàng đầu. Đã qua rồi thời kỳ “ăn no, mặc ấm”, bây giờ, nhiều người quan tâm đến việc ăn ngon, ăn bổ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là sự tiến bộ của xã hội, đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra với ngành Y tế với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mặt khác, khi bị bệnh, người bệnh lẫn thân nhân đều kỳ vọng vào sự chăm sóc, điều trị của thầy thuốc. Mọi hoạt động của thầy thuốc đều được săm soi, nhận xét, nếu có biểu hiện không tốt về thái độ, hành vi, ngôn ngữ,... rất dễ để lại ấn tượng xấu đối với người bệnh và thân nhân của họ. Nghề y là nghề làm dâu trăm họ.
Do quý trọng sức khỏe nên xã hội rất tôn vinh thầy thuốc. Cùng với những kỹ sư tâm hồn, thầy thuốc rất được người dân kính trọng nên gọi là “thầy”. Càng kính trọng bao nhiêu thì người dân càng bức xúc bấy nhiêu trước tình trạng “thầy” thờ ơ, cáu gắt, lạnh nhạt, có biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà và gây phiền hà cho người bệnh.
Điều đáng buồn thông qua ghi nhận từ các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử thì người dân tỏ ý không hài lòng, bức xúc đối với ngành Y tế. Y đức là vấn đề mà báo chí, dư luận xã hội thường xuyên quan tâm, thậm chí có ý kiến cần cho bác sĩ học thêm các môn học về văn hóa, xã hội để có thêm sự lịch sự, văn hóa khi giao tiếp với người bệnh. Công bằng mà nói, “con sâu làm sầu nồi canh”, tuy nhiên, phải thừa nhận, ngành Y tế còn không ít con sâu, hạt sạn cần phải được nhặt nhạnh.
Khái quát bức tranh và sự kỳ vọng vào y đức của thầy thuốc để thấy rằng, kế hoạch và cam kết thực hiện “Đổi mới thái độ phục vụ bệnh nhân” của ngành Y tế mà Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu chỉ đạo mới đây (ngày 3-8-2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy) được sự quan tâm, đồng tình và phấn khởi của toàn xã hội. Đúng là ngành Y tế cần phải thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh; cán bộ y tế cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, qua đó củng cố niềm tin và xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc - cán bộ y tế Việt Nam. Mà lẽ ra, việc này phải làm sớm hơn, làm quyết liệt hơn từ lâu.
Cán bộ y tế có thay đổi thái độ, phong cách, hành vi theo hướng tích cực thì người dân mới thay đổi ấn tượng, niềm tin về ngành Y.
Hưởng ứng cam kết “Đổi mới thái độ phục vụ bệnh nhân” của ngành Y tế chính là việc làm thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, thực hiện y đức của ngành Y. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” - đó cũng là liệu pháp tâm lý của thầy thuốc.
Hy vọng lần này, ngành Y tế thực hiện kiên quyết, đến nơi, đến chốn cam kết trên!./.
Kim Qui