Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 17:45

Một số địa phương chưa hiểu rõ bản chất tái cơ cấu nông nghiệp

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phê duyệt Đề án, hoặc Đề án được xây dựng không sát với yêu cầu thực tế.

Tại hội nghị đánh giá thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt diễn ra sáng nay (22/7) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số địa phương vẫn chưa hiểu rõ bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp dẫn đến việc xây dựng Đề án chưa sát với thực tế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị

Sau 2 năm triển khai, đến nay, đã có 41 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có lĩnh vực trồng trọt.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, do một số địa phương chưa hiểu rõ bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng nên dẫn đến tình trạng chậm phê duyệt Đề án, hoặc Đề án được xây dựng không sát với yêu cầu thực tế. Chất lượng nông sản còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành, gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và hạn chế xuất khẩu.

Theo ông Trung, hiểu đúng về tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng là vấn đề rất quan trọng, bởi vì có hiểu đúng thì mới xây dựng đề án, chương trình và tổ chức thực hiện mới sát thực tế đem lại hiệu quả cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, lĩnh vực trồng trọt có vị trí rất quan trọng, với giá trị sản xuất hiện chiếm 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị hơn 500.000 tỷ đồng trong năm nay. Thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Thay đổi cách tiếp cận đối với trồng trọt từ sản xuất tự cung, tự cấp ở miền núi, sản xuất đủ tiêu dùng có dư thừa thì mới bán ở đồng bằng sông Hồng và một số địa phương sang sản xuất hàng hóa. Thông qua sản xuất hàng hóa để có thu nhập cao hơn, có đủ lương thực thực phẩm nâng cao thu nhập. Nông nghiệp phải là 1 nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm của ngành trồng trọt phải hướng đến chất lượng cao hơn, chất lượng hơn với giá thành giảm để tạo cạnh tranh với những nông sản nhập khẩu”./.

Minh Long/VOV – Trung tâm Tin
 

Chia sẻ bài viết