Sơ tán người dân vùng lũ trong tuần này ở thành phố Trùng Khánh, phía nam Trung Quốc sau một đợt mưa lớn - Ảnh: AFP
Những dòng nước đục ngầu cao ngang hông đang bao trùm mọi con đường trong thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, khiến đường phố trở thành những con kênh và các phương tiện giao thông mắc kẹt trong làn nước lũ.
Tại Trùng Khánh, những dòng nước lũ giận dữ cuốn trôi mọi thứ trên các con đường trong thành phố. Trong khi đó, thành phố du lịch Dương Châu đang hứng chịu một trận mưa lớn bất thường mà một quan chức địa phương gọi là sự kiện "2 thế kỷ mới có 1 lần".
Mưa lớn bất thường kéo dài nhiều tuần liền đã và đang tàn phá miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 106 người chết hoặc mất tích và ảnh hưởng đến 15 triệu dân.
Nhiều nơi trong khu vực này đang chứng kiến đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tỉnh Hồ Bắc, có thủ phủ là thành phố Vũ Hán - nơi bùng phát và chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Người dân trong tỉnh than thở rằng mưa lũ sau COVID-19 là đòn giáng mới nhất vào cuộc sống, sức khỏe và kế sinh nhai của họ.
"Lại một vấn đề khác nảy sinh trước khi vấn đề kia lắng xuống. Hồ Bắc năm 2020 vừa kỳ lạ vừa khó khăn" - Deng Jin (25 tuổi), vừa tốt nghiệp cao đẳng tại thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, chia sẻ trên mạng xã hội Weibo.
Những trận mưa lớn vào thời điểm này hằng năm tại Trung Quốc khiến nước sông dâng cao và nhiều hồ chứa bị tràn. Tuy nhiên, việc căng mình đối phó với đại dịch COVID-19 trên cả nước đã khiến cho công tác chuẩn bị ứng phó mùa lũ năm nay của chính quyền Bắc Kinh quá tải, theo cảnh báo hồi tháng 4 của Nhân Dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau 31 ngày liên tiếp cảnh báo về mưa lũ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt này chưa có dấu hiệu gì sẽ buông tha cho người dân tại miền nam Trung Quốc. Ngày 3-7, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo sẽ có thêm những trận mưa lớn đổ xuống miền nam đất nước, bắt đầu từ ngày 4-7. Các chuyên gia cũng đang cảnh báo về khả năng sạt lở cũng như vỡ đập và các hồ chứa nước.
Nước lũ tràn ngập một ngôi làng ở Quảng Tây, Trung Quốc hồi tháng 6-2020 - Ảnh: Tân Hoa xã
Báo New York Times dẫn lời ông Brandon Meng, kỹ sư thủy lợi của thành phố Thâm Quyến, cho biết các con đập nhỏ ở Trung Quốc hầu hết được xây dựng trong thập niên 1960 và 1970, do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong xây dựng đập.
"Một khi xảy ra thời tiết cực đoan, các con đập này rất dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm" - ông Meng nhận định.
Các nhà bình luận Trung Quốc thừa nhận họ đã nhận được rất ít thông tin về tình hình mưa lũ trên báo chí cũng như trên mạng xã hội của Trung Quốc. Họ cho rằng các phương tiện truyền thông của nước này phải lưu tâm hơn về tình hình mưa lũ, nên thông tin như là đối với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Họ lý giải rằng có lẽ người dân đã trở nên chai sạn với khó khăn, hoặc có lẽ chính quyền Bắc Kinh và các cơ quan truyền thông của chính phủ không muốn gây thêm căng thẳng và lo lắng cho những người dân vốn đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.
Dù vậy, truyền thông Trung Quốc cũng đã nhảy vào cuộc với những hình ảnh và video đáng chú ý về mưa lũ của đất nước khi tình hình ngày càng tệ hơn.
Tại huyện Dương Sóc - một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, một quan chức địa phương nói với tạp chí Southern Weekly rằng khu vực đã trải qua một đợt mưa lớn "hai thế kỷ mới có một lần" hôm 7-6. Hơn 1.000 khách sạn và nhà khách cùng 5.000 cửa hàng trong huyện bị hư hại.
Tại Trùng Khánh, người dân đã có trải nghiệm tồi tệ nhất về lũ lụt trong suốt 60 năm qua khi chứng kiến nước lũ ồ ạt tràn vào thành phố từ thượng nguồn sông Dương Tử, buộc khoảng 40.000 người dân phải sơ tán./.
Theo Tuổi Trẻ(BĐT tổng hợp)