Tiếng Việt | English

26/08/2015 - 17:10

Mùa Vu Lan ở khu dưỡng lão

Bên cạnh những người cao tuổi đang sống sung túc bên con cháu thì còn một số người già neo đơn sống vô cùng vất vả. Họ phải sống nương nhờ vào các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội,…Vào mùa Vu Lan báo hiếu này, khi mà nhiều người con đang trao gửi những tình cảm tốt đẹp nhất đến đấng sinh thành thì vẫn còn đó những “góc khuất” tại các khu dưỡng lão.

Chúng tôi đến với Khu nuôi dưỡng người cao tuổi nằm tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - nơi hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác an sinh xã hội, góp phần chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn của vùng hạ nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Nơi đây đang nuôi dưỡng gần 10 cụ già có hoàn cảnh éo le.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bê (83 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Cần Giuộc, người trong ảnh) cho biết, bà không có nơi nào để ở nên mới vào đây. Bà và chồng bà chia tay năm bà 32 tuổi. Con trai bà qua đời khi tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia, từ đó bà chẳng biết sống nương nhờ vào ai. Đến ngày 13-4-2015, bà được nhận vào khu dưỡng lão này. Bà Bê chia sẻ: “Một mùa Vu Lan nữa lại về là thêm một mùa tôi nhớ con trai mình da diết. Nghe mấy bài hát, xem những chương trình báo hiếu mùa Vu Lan, tôi ước một lần có ai đến thăm tôi, chăm sóc tôi như vậy”.

Đau xót hơn nữa là trường họp cụ Ngọc Dung (83 tuổi, ngụ tại thị trấn Cần Giuộc, người trong ảnh) khi người con trai duy nhất vừa mới mất, cô con dâu thì dắt con đi nơi khác sinh sống. Bà Dung chẳng biết nương tựa vào ai khi nhà cửa không còn nữa, nên đã xin vào khu nuôi dưỡng người cao tuổi ở Cần Giuộc. Mong ước của bà là lúc này đây được ôm thằng cháu nội, kể chuyện cổ tích cho nó nghe vì đã lâu rồi bà chưa gặp cháu. “Bạn bè trong khu dưỡng lão này lâu lâu có người thăm hỏi còn tôi thì không có ai. Nhiều đêm tủi thân lắm, ngủ không được, nhớ con, nhớ cháu”- bà Dung nghẹn ngào nói.

Dẫu bị con cái hắt hủi nhưng ông Phạm Văn Pho (80 tuổi, người trong ảnh) sống tại khu dưỡng lão này vẫn không oán trách con cháu. Ông sợ mang tiếng cho con, cháu ngoài xã hội. “Ở cái tuổi gần đất xa trời này ai mà không muốn quây quần bên con cháu. Nhưng chúng nó đưa tui vào đây thì tui đi, ở nhà mất công lại làm gánh nặng cho con cho cháu” – ông Pho nước mắt rưng rưng nói.

Khi chúng tôi đến thăm hỏi thì bỗng dưng có một bà cụ nhìn tôi mà khóc, đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Đản (người trong ảnh). Bà nói: “Bà nhìn con mà ước gì một lần được con cái vào đây thăm. Nhìn con mà bà nhớ con trai bà quá, ước nguyện cuối đời bà chỉ mong được một lần ngồi bên bữa cơm gia đình có đầy đủ con, cháu. Mùa Vu Lan đã về mà bà chưa thấy đứa nào ghé thăm”.

Câu chuyện về những mảnh đời tuổi già sống neo đơn tại các viện dưỡng lão làm không ít người chua xót. Chúng tôi tạm biệt các cụ và quay về với nhiều cảm nhận khác nhau. Có người hỏi liệu rằng mùa Vu Lan này nếu đi chùa thì những người con có cha mẹ ở viện dưỡng lão sẽ cài bông hồng gì? Phải chăng cuộc sống càng tất bật người ta lại càng quên đi tình cảm gia đình, thứ tình cảm thiêng liêng nhất, để theo đuổi tiền bạc, danh vọng trong vòng xoáy cuộc đời? Nhiều câu hỏi đặt ra mà câu trả lời chỉ có những người con "bỏ quên" cha mẹ mình mới có câu trả lời. Còn với bản thân tôi lúc này, bên tai nghe văng vẳng hai câu thơ mà một bà cụ ở khu dưỡng lão đã đọc: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”./.

CTV Duy Phong

 

Chia sẻ bài viết
  • Bắt đầu chú ý đến các bài báo của CTV Duy Phong

    thanh thảo - Cách đây 9 năm

  • đọc cảm động ghê

    Hoàng Oanh - Cách đây 8 năm