Tiếng Việt | English

29/06/2016 - 17:36

Mũi nhọn trong đào tạo nghề khu vực Đồng Tháp Mười

Từ hiệu quả đào tạo nghề của Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười (TCN ĐTM) góp phần quan trọng đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐTM rộng lớn.


Cơ ngơi của Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười

Góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn

Trường TCN ĐTM được thành lập vào năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2003, đóng trên địa bàn phường 3, Thị xã Kiến Tường – trung tâm của khu vực ĐTM.

Từ năm 2011 đến nay, trường liên tục mở rộng các nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Hiệu trưởng trường – thầy Trần Ngọc Ẩn cho biết: Trường tập trung đào tạo với các nghề cơ bản có trình độ trung cấp như: Công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, hàn, cơ điện nông thôn, kỹ thuật sữa chữa lắp ráp máy tính, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, thú y, bảo vệ thực vật, kế toán doanh nghiệp, công tác xã hội và nhiều ngành nghề sơ cấp như sửa chữa xe gắn máy, hàn, tiện, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, thú y, may công nghiệp... Những ngành nghề này đang đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn vùng ĐTM. Từ đó, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng đất thuần nông này.

Công tác tuyển sinh đào tạo và tư vấn giới thiệu việc làm luôn được trường quan tâm. Từ khi thành lập Trường TCN ĐTM đến nay, kết cấu hạ tầng, các trang thiết bị phục vụ dạy học được đầu tư hoàn chỉnh theo các dự án của UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và các tổ chức khác.

Thước đo đào tạo nghề

Theo Hiệu trưởng Trần Ngọc Ẩn, các năm trước đây với hệ trung cấp nghề, trường đạt kết quả tuyển sinh thấp. Nhưng trong năm 2015, trường tuyển sinh đạt 130% kế hoạch. Tính bình quân từ năm 2011 đến năm 2016 trường tuyển sinh đạt 71%. Riêng năm 2016 đến thời điểm này trường tuyển sinh được 139/200 học sinh đạt gần 70%. Với hệ sơ cấp nghề, nhà trường phối hợp với các công ty, xí nghiệp đào tạo trên 300 học viên gắn với vấn đề giải quyết việc làm.

Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, trường phối hợp với các phòng LĐ-TB&XH, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã vùng ĐTM để tổ chức các lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu của lao động ở nông thôn. Hằng năm, trường đào tạo đều vượt chỉ tiêu; bình quân mỗi năm trên 850 học viên. Từ đầu năm 2016 đến nay, trường tổ chức được 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở Thạnh Hóa, Tân Thạnh và Mộc Hóa với 235/450 học viên.

Ngoài ra, Trường TCN ĐTM còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cấp giấy phép lái xe A1 cho 1228 học viên/năm cho các học viên ở vùng ĐTM và phối hợp với Trung tâm đào tạo kỹ thuật giao thông Long An đào tạo lái xe ô tô hạng B2 và C. Trường còn phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM đào tạo trình độ cao đẳng nghề được 30 sinh viên…

Bên cạnh dạy nghề, vấn đề giải quyết việc làm luôn được nhà trường quan tâm, hầu hết các em sau khi ra trường điều có việc làm ổn định. Lê Văn Lượm (SN 1982), từng là học viên nghề cắt gọt kim loại khóa 1 của trường, hiện nay là tổ trưởng tổ kinh doanh của Cty TNHH một thành viên An Kiến Bình ở xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường. Sau 6 năm ra trường, Lượm có mức lương 7,5 triệu/ tháng.

Nhiều nông dân ở ĐTM chọn cho con học nghề ở Trường TCN ĐTM bởi có thể học tập gần nhà và tìm việc ngay tại địa phương. Điển hình như trường hợp ông Võ Văn Chất, ở ấp 5, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa. Mặc dù gia đình có 3,5 ha đất ruộng và 1 máy gặt đập liên hợp, ông vẫn cho 2 người con theo học nghề tại Trường TCN ĐTM. Con ông - em Võ Trung Bình (SN 1988) học nghề cơ khí chế tạo máy, ra trường năm 2009 hiện đang sửa chữa máy gặt đập liên hợp và sửa chữa lưu động ở xã Tân Thành, có thu nhập bình quân hằng tháng từ 7-8 triệu đồng. Còn người con thứ hai là em Võ Văn Thảng sinh năm 1992, đã học nghề công nghệ ô tô, ra trường năm 2013. Hiện em Thảng đang hợp tác lao động tại Nhật Bản.

Thầy Ẩn chia sẻ thêm, trường quyết tâm hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Xem đó là cách thức thiết thực góp phần vào sự phát triển của vùng ĐTM./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết