Hẳn chúng ta đều biết rằng, lễ phép là phẩm chất cần có trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, giúp giảm những xung đột, mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hòa. Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ dạy bảo để con trở thành người lễ phép. Hãy cho con hiểu rằng, lễ phép chính là nét đẹp văn hóa mà ai cũng cần có trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày và hơn thế nữa, lễ phép cũng góp phần vào sự thành đạt của mỗi người khi lớn lên sau này.
Để làm gương cho con, cha mẹ cần hiểu rằng, hành vi của mình chính là bài học sinh động và hiệu quả nhất, vì thế, cha mẹ nên chú ý đến hành động và lời nói của mình. Trong gia đình, cha mẹ không chỉ có cử chỉ lịch sự, ăn nói hòa nhã, không nói tục, nói bậy mà còn phải quyết tâm sửa chữa những hành vi không lễ phép của chính mình trong giao tiếp hàng ngày. Thông qua sự ảnh hưởng đó giúp con hình thành thói quen lễ phép.
Ngoài ra, cha mẹ phải dạy con biết chú ý đến phép tắc, muốn vậy, phải tìm hiểu tâm lý của trẻ, từ đó mới đề ra những phép tắc phù hợp. Chẳng hạn như: Dáng vẻ, cử chỉ, hành động, sắc thái biểu cảm, ngôn ngữ,... Qua những phương diện này bồi dưỡng trẻ chú ý đến lễ nghĩa cá nhân và những phẩm chất tốt đẹp khi đối xử với người khác.
Lễ phép là biểu hiện cử chỉ bên ngoài, nhưng nó phản ánh sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức bên trong của con người. Người có lòng tự trọng sẽ có ý thức bảo vệ sự tôn nghiêm và để ý đến cảm nhận của người khác, từ đó mới hình thành cử chỉ lễ phép và phẩm chất đạo đức tốt đẹp thể hiện từ trong ra ngoài. Chính vì vậy, cha mẹ luôn phải có ý thức tôn trọng các con, bồi dưỡng lòng tự trọng cho con và để có kết quả như mong muốn thì cha mẹ cần dạy con lễ phép ngay từ nhỏ./.
Lê Thị Thanh