Tiếng Việt | English

08/03/2021 - 07:57

Mưu sinh lúc ngày mới vừa bắt đầu

Lúc nhiều người còn đang say giấc ngủ, đâu đó đã có những người vội vã bắt đầu cuộc mưu sinh khi ngày mới còn chưa kịp hửng nắng.

Thanh long tại vườn cắt xong được vận chuyển vào nhà, sau đó xếp vào từng cần xé thành nhiều lớp cho đến khi đầy, mỗi lớp cách nhau bằng giấy báo rồi được vận chuyển ra vựa

Thanh long tại vườn cắt xong được vận chuyển vào nhà, sau đó xếp vào từng cần xé thành nhiều lớp cho đến khi đầy, mỗi lớp cách nhau bằng giấy báo rồi được vận chuyển ra vựa

Những năm gần đây, nhờ vào giá trị kinh tế cao nên cây thanh long trở thành “người bạn đồng hành” quen thuộc của nông dân trong tỉnh nói chung và huyện Châu Thành nói riêng. Bên cạnh giá trị mà cây thanh long mang lại cho người trồng, việc chăm sóc cây trong suốt quá trình từ khi trồng đến lúc thu hoạch trái cũng đã tạo ra công việc thời vụ tương đối ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đa số công việc như tưới nước, bón phân, chọn nụ,... đều được thực hiện vào ban ngày, chỉ riêng thu hoạch trái là được làm vào ban đêm, thường là từ 2-4 giờ sáng.

Khoảng 3 giờ sáng, ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Thu (60 tuổi), ngụ ấp 5, xã Hiệp Thạnh, trở nên ồn ào, náo nhiệt khi nhóm người cắt trái vào đến. Hôm ấy, gia đình bà Thu có khoảng 300 gốc thanh long đến ngày thu hoạch. Trước hiên nhà, bà Thu vừa loay hoay sắp xếp lại xấp giấy báo cũ cùng những chiếc cần xé được chuẩn bị sẵn, chờ xếp trái vào để tiện cho việc vận chuyển ra vựa, vừa nói: “Không riêng gia đình tôi mà đa số người trồng thanh long đều chọn cắt trái vào giờ này vì trời mát, đỡ vất vả cho người cắt. Thêm vào đó, nếu cắt trái vào ban ngày, không vận chuyển kịp vào nhà, trái sẽ dễ bị héo, ảnh hưởng đến chất lượng, giá sẽ thấp hơn so với bình thường”.

Đứng trong hiên nhà, sự chú ý của tôi bị thu hút vào một góc vườn, thấp thoáng có những ánh đèn pin nhỏ và rôm rả tiếng nói, cười. Lần theo những âm thanh đó, tôi tìm ra tận nơi, bắt chuyện và được mọi người giới thiệu rằng tôi đang đứng cạnh “nhóm trưởng” của họ, đó là chị Nguyễn Thị Ngọc (36 tuổi), ngụ ấp 5, xã Hiệp Thạnh. “Tôi chỉ nhận công việc khi có người gọi rồi tập hợp mọi người lại cùng đi làm, sau đó nhận tiền về gửi cho mọi người” - chị Ngọc vội tiếp lời mọi người khi tôi còn chưa kịp hỏi.

Nhóm của chị Ngọc hiện có khoảng 15 người, đa số là những chị em ở địa phương có ít đất sản xuất và hoàn cảnh khó khăn. Thời gian trước, mỗi người trong nhóm của chị ai cũng đều nhận làm công việc chăm sóc và thu hoạch thanh long này nhưng làm riêng lẻ nên cũng gặp khó khăn cho cả người làm và người thuê. Thấy vậy, chị tập hợp mọi người lại thành một nhóm và nhận việc, sau đó sắp xếp, phân công địa điểm cụ thể. Chị Trương Ngọc Nhiêu (30 tuổi), ngụ ấp 8, xã Hiệp Thạnh, một trong những người tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên, bộc bạch: “Trước khi vào nhóm, công việc của tôi bấp bênh lắm, ngày có làm, ngày không, do nhà vườn muốn làm nhanh nên ưu tiên kêu nhóm. Bây giờ, công việc ngày nào cũng có là, vì vậy có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”.

Công việc của nhóm chị Ngọc thường làm chủ yếu là cắt tỉa cành, chọn nụ, vuốt ngoe, thu hoạch trái,… với thu nhập 35.000 đồng/giờ. “Tuy gọi đây là công việc thời vụ nhưng hiện nay, do diện tích thanh long ở địa phương ngày càng nhiều, thêm vào đó là các nhà vườn chủ động xử lý trái mùa nên công việc hầu như ngày nào cũng có chứ không còn theo mùa vụ nữa” - chị Ngọc cho biết thêm.

Hôm ấy, nhóm chỉ có 4 người cắt trái. Mỗi người một lối, chẳng ai thấy mặt ai, cuộc nói chuyện vẫn tiếp diễn như bình thường, cũng chẳng ai nói lời hối thúc nào nhưng những chiếc kéo trên tay vẫn đều đặn phát ra âm thanh “tạch tạch” mà không một khoảng ngưng nghỉ. Sau khi cắt xong, họ nhẹ nhàng đặt từng trái thanh long vào bội để ngoe không bị gãy. Đó như một cách họ trân trọng công việc mưu sinh này./.

Mộc An

Chia sẻ bài viết