Tiếng Việt | English

22/03/2017 - 13:00

Mưu sinh với món ăn mang hương vị quê nhà

TP.Tân An, tỉnh Long An không rộng lớn và phát triển bằng các thành phố lớn khác nhưng cũng là "đất lành" để người phương xa tìm về mưu sinh, lập nghiệp bằng những món ăn bình dân mang hương vị quê nhà.

Từ buôn bán ở vỉa hè...

Điểm chung của một số người xa xứ hội tụ về TP.Tân An lập nghiệp với món ăn bình dân mang hương vị quê hương là bày bán ở vỉa hè, hay có quy mô nhỏ. Qua thời gian, ky cóp được ít vốn và tìm hiểu nhu cầu khách hàng để có kế hoạch làm ăn với quy mô lớn hơn. Và những quán ăn khởi nghiệp, nguồn vốn đầu tư vừa phải, phù hợp với những người lao động nghèo muốn mưu sinh, lập nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Tiệp tự xay bột bằng thủ công để làm bánh cuốn nóng mang đậm hương vị quê nhà Nam Định

Một trong những người kinh doanh món ăn quê hương mình tại một điểm vỉa hè ở TP.Tân An là gia đình anh Nguyễn Văn Tiệp, 52 tuổi, quê ở Nam Định, với món bánh cuốn nóng, giò, chả Nam Định. Tất cả món ăn này đều được gia đình anh tự tay làm lấy và có bí quyết riêng, mang hương vị đặc trưng của Nam Định.

Anh Tiệp chia sẻ: "Ở quê, cuộc sống bằng nghề làm thuê nên nhiều vất vả, do đó, tôi quyết định Nam tiến, tìm con đường mưu sinh, lập nghiệp, cải thiện kinh tế gia đình. Tôi chọn Tân An là nơi dừng chân. Sau khi tìm hiểu thị trường ẩm thực nơi đây, tôi quyết định kinh doanh món ăn đặc sản của quê hương Nam Định, vừa mưu sinh, vừa muốn mang hương vị quê nhà giới thiệu đến người dân Long An và thực khách bốn phương. Tuy nhiên, lúc đầu, do nguồn vốn hạn chế nên tôi chỉ kinh doanh nhỏ ở vỉa hè".

Với phương châm "Chậm mà chắc", gia đình anh Tiệp thành công khi giới thiệu hương vị quê nhà với thực khách tại Long An. Hiện nay, không chỉ nhiều người biết đến bánh cuốn nóng, giò, chả Nam Định mà anh còn mở được quán ăn tại chợ phường 2. Và hơn 3 năm sau khi quyết định Nam tiến, anh Hiệp thành công với món ăn mang hương vị quê nhà của mình.

2 con của anh Tiệp phụ ba mẹ kinh doanh món ăn quê nhà

Đến tạo dựng "thương hiệu"

Khi những món ăn mang đậm hương vị quê hương của các vùng, miền khác nhau được thực khách chấp nhận và ưa thích thì đó là lúc món ăn ấy tạo dựng được "thương hiệu". Lúc ấy, những người làm ra nó cũng cải thiện cuộc sống và đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho mình.

Cũng như anh Tiệp, chị Nguyễn Thị Duyên, 34 tuổi, quê ở An Giang cũng đi lên từ quán ăn vỉa hè với món bún cá Châu Đốc gần 6 năm nay. Năm đầu, chị Duyên bán ở vỉa hè, do chưa đủ vốn để đầu tư mặt bằng. Sau đó, thấy được hiệu quả, hiểu được thị trường ẩm thực nơi đây, chị Duyên mạnh dạn thuê mặt bằng có vị trí thuận lợi để kinh doanh, giới thiệu món ăn quê hương mình đến với người dân Long An.

Đến nay, quán bún cá Châu Đốc của chị Duyên trên đường Hồ Văn Long, phường 2 được nhiều thực khách biết đến. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, chị bán được hơn 100 tô bún. Ngoài bún cá, chị Duyên còn bán thêm một số đặc sản mắm của quê hương An Giang.

Chị Duyên tâm sự: "Khẳng định "thương hiệu" thì không dám, nhưng món bún cá của gia đình tôi được nhiều người khen ngon. Đó là nhờ cách chọn nguyên liệu tươi ngon và có bí quyết gia truyền khi nấu. Mong rằng, món bún cá Châu Đốc với giá bình dân, mang đặc trưng hương vị quê nhà của gia đình tôi được nhiều thực khách biết đến hơn nữa".

Những món ăn ở các vùng, miền khác nhau được thực khách Long An chấp nhận, giúp cuộc sống của những người xa quê ổn định hơn. Người dân Long An cũng có thể thưởng thức các món ăn khắp mọi nơi tại quê hương mình./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết